(SGGP). – Sáng 22-3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có buổi giao lưu trực tuyến với người dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Bộ trưởng khẳng định, việc một số người lén lút sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là hành vi phải lên án. Bà con chăn nuôi không được sử dụng chất cấm và giúp các cơ quan chức năng phát hiện, đồng thời tẩy chay những người buôn bán, sử dụng chất cấm độc hại này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt một số địa phương có nhiều người sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để tăng cường việc kiểm soát. “Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc những người cố tình vi phạm theo đúng quy định của luật pháp” - Bộ trưởng nói.
Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của mình phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt với các địa phương, làm rõ tình hình, công bố việc vi phạm xảy ra ở khu vực nào, trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh, đồng thời tạo điều kiện cho những khu vực, những người chăn nuôi làm ăn chân chính có thể sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách thuận lợi. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết đang nỗ lực để giúp phục hồi lại thị trường và giá cả cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, vấn đề kiểm soát chất lượng các loại nông sản, thực phẩm là vấn đề lớn, đang được cả xã hội quan tâm. Bộ NN-PTNT đang cố gắng xây dựng và hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật để các địa phương triển khai thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường quản lý cả nông sản nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Ngày 22-3, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị tìm phương án kiểm soát việc sử dụng, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi.
Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, không chỉ sau khi báo chí phát hiện các đơn vị chức năng mới vào cuộc mà trong năm 2011 và quý 1 năm 2012 tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Chi cục Thú y TPHCM, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tiến hành lấy mẫu tại một số cơ sở chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn tỉnh và đã phát hiện chất cấm.
Cụ thể, năm 2011, Chi cục Thú y TPHCM kiểm tra 77 mẫu nước tiểu heo của một số cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai phát hiện 17 mẫu dương tính với chất cấm. Mới đây, tháng 2-2012, kết quả kiểm tra 113 mẫu nước tiểu của heo có nguồn gốc ở Đồng Nai có đến 50 mẫu dương tính với chất cấm.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng công tác quản lý chất cấm trong chăn nuôi đang còn nhiều vấn đề bất cập. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã ban hành quy định về việc cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số loại kháng sinh, hóa chất trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi đối với 18 loại thuốc (chất cấm trong chăn nuôi). Tuy nhiên, trong số 18 loại thuốc đó lại có những loại rất cần thiết trong y tế phục vụ công tác điều trị, chữa bệnh cho người. Do đó, việc dùng thuốc trong ngành y tế để sử dụng trong chăn nuôi khó kiểm soát.
Để giải quyết tận gốc vấn đề chất cấm, ngoài việc thành lập các đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm, cần phải có sự vào cuộc của lực lượng công an, điều tra tìm ra những đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
NHÓM PV