Tăng cường phòng chống côn đồ quậy phá bệnh viện

Vài năm trở lại đây, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ côn đồ xông vào bệnh viện (BV) để thanh toán nhau hoặc hành hung bác sĩ và các nhân viên y tế đang trực cấp cứu.
Các bệnh viện công ở TPHCM luôn có rất đông bệnh nhân và thân nhân, cần tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự. Ảnh: TIỂU TÂN
Các bệnh viện công ở TPHCM luôn có rất đông bệnh nhân và thân nhân, cần tăng cường công tác bảo vệ an ninh trật tự. Ảnh: TIỂU TÂN

Vào lúc 0 giờ ngày 12-7, Khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định tiếp nhận 2 bệnh nhân bị đa chấn thương do đánh nhau. Trong lúc các bác sĩ đang tiếp nhận cấp cứu thì đột ngột có khoảng 20 tên côn đồ thuộc 2 băng nhóm hung hăng xông vào xô ngã bàn ghế, dụng cụ làm việc của khoa, sử dụng ghế, các cây treo dịch truyền làm hung khí, la hét và ẩu đả nhau. Các bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân phải nháo nhác chạy trốn. Trước đó, năm 2013, cũng đã từng có một nhóm côn đồ hơn 30 tên mang theo hung khí tràn vào Khoa Cấp cứu của BV này để hành hung một bệnh nhân đang được cấp cứu. 

BV Đại học Y Hà Nội, BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới) cũng đã từng bị các băng nhóm côn đồ đại náo, thanh toán nhau như vậy, thậm chí còn hành hung cả các bác sĩ đã can ngăn. Có những vụ bác sĩ và nhân viên y tế bị hành hung vì những nguyên do kỳ lạ. Một nữ điều dưỡng Viện Pháp y tâm thần Trung ương đang làm việc đã bị một người đàn ông có tiền án khống chế làm con tin để đòi thả một người bạn đang điều trị tại đây. Một nữ bác sĩ tại BV Đa khoa Đồng Nai bị một người đàn ông tấn công gây thương tích chỉ vì ông ta bực mình với tiếng loa trong lúc chờ vợ sinh. Một nữ điều dưỡng tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM) đã bị thân nhân của một bệnh nhi hành hung khi chị yêu cầu chuyển bệnh nhi sang một giường bệnh khác.

Các vụ gây rối, hành hung xảy ra tại BV không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khám chữa bệnh, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực và sự tận tụy của các nhân viên y tế. Vì vậy, cần phải coi bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại BV là người đang thi hành công vụ, có quyền được pháp luật bảo vệ tính mạng, danh dự như những công dân khác trong xã hội. đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được những khó khăn mà ngành y thường phải đối mặt. Mặt khác, đẩy mạnh công tác giữ gìn trật tự an ninh trong BV và có chế tài đủ mạnh để răn đe, phòng chống, xử lý nghiêm những người bất chấp pháp luật gây rối, hành hung tại BV, tạo điều kiện để các bác sĩ, nhân viên y tế yên tâm, tận tâm, tận lực khám điều trị cho bệnh nhân.

Trở lại vụ Khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định bị 2 nhóm côn đồ đại náo đêm 12-7, nhờ kích hoạt báo động Code Grey (hệ thống xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh trật tự), nhân viên Khoa Cấp cứu đã kịp thời báo động cho lực lượng chức năng đến ứng cứu. Chỉ sau 5 phút, các lực lượng Công an phường 7, phường 19 quận Bình Thạnh, Công an quận Phú Nhuận và Cảnh sát giao thông đã đến hiện trường, phối hợp với các nhân viên bảo vệ bệnh viện trấn áp nhóm côn đồ, lập lại trật tự tại Khoa Cấp cứu của bệnh viện. Qua sự việc này cho thấy, cần đầu tư trang bị hệ thống xử lý tình huống khẩn cấp về an ninh trật tự cho tất cả các BV để thực hiện tốt việc phối hợp bảo vệ an ninh trật tự tại nơi đây.

Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ở các nước trên thế giới, có từ 8% đến 38% nhân viên y tế từng bị bạo hành tại BV. Ở Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các vụ bạo hành tại BV, 70% nạn nhân là bác sĩ, 15% nạn nhân là điều dưỡng. 90% vụ bạo hành tại BV xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân; 60% vụ bạo hành tại BV xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục