Tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng

Ngày 23-7, Bộ TT-TT có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Nghị quyết 78 phiên họp chuyên đề về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
Cô gái trẻ khoe tiêm vaccine không cần đăng ký. Nguồn: VIETNAMNET
Cô gái trẻ khoe tiêm vaccine không cần đăng ký. Nguồn: VIETNAMNET

Tại Nghị quyết 78 ban hành ngày 20-7, Chính phủ đã phân công Bộ TT-TT chỉ đạo thực hiện tốt công tác truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ, ủng hộ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch; huy động toàn dân đoàn kết, tham gia phòng chống dịch, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đồng thời giám sát, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, xuyên tạc, giả, bịa đặt, các hình thức lừa đảo trực tuyến lợi dụng tình hình dịch bệnh trên không gian mạng.

Theo đánh giá của Bộ TT-TT, thời gian qua tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vaccine Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vaccine của Chính phủ cũng như việc sử dụng Quỹ vaccine phòng Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TPHCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý, nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết 78, kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, Bộ TT-TT vừa đề nghị: Các bộ ngành, tỉnh thành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động thực hiện nghiêm túc quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; cử người phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin, trong mọi tình huống bảo đảm thông tin được cung cấp nhanh nhất, không bị động, bất ngờ; tuân thủ kỷ luật phát ngôn, thống nhất đầu mối phát ngôn. Trong trường hợp bộ ngành, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ kể từ khi phát sinh sự việc, nên cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí, trong đó nêu rõ quan điểm chỉ đạo và giải pháp xử lý bước đầu sự việc (nếu có). Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, nhất là thông tin trên không gian mạng về công tác phòng chống dịch tại bộ ngành, địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp. 

Cùng với đó, tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch tại bộ ngành, địa phương. Khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật, cần chỉ đạo lực lượng công an, các lực lượng có liên quan kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với đơn vị chức năng của Bộ TT-TT để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn. Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ TT-TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng. 
Liên quan đến vụ việc cô gái trẻ khoe trên mạng xã hội, không đăng ký trước vẫn được tiêm vaccine (Pfizer) tại Bệnh viện Hữu Nghị, ngày 23-7, Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Thanh tra Bộ TT-TT xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Theo kết quả xác minh, người đăng thông tin trên là Vũ Phương Anh (25 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Cô gái này được người thân nhờ một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị đăng ký tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 12-7 và đã được giám đốc bệnh viện đồng ý giải quyết cho tiêm nếu có dư liều vaccine.

Theo lý giải của lãnh đạo Bệnh viện Hữu Nghị, đây là việc giải quyết tình huống có người không đến tiêm theo kế hoạch, hoặc đến tiêm nhưng không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm, nhằm tránh lãng phí. Vũ Phương Anh được tiêm vaccine vào ngày 19-7 thuộc trường hợp này. Do đó, việc Vũ Phương Anh đăng tin mình tiêm vaccine Covid-19 không cần đăng ký, được ưu tiên tiêm vaccine Pfizer là sai sự thật. Liên quan vụ việc trên, Bệnh viện Hữu Nghị cũng đã kỷ luật điều chuyển công tác nhân viên y tế liên quan.

Tin cùng chuyên mục