Các chuyên gia kinh tế đều nhận định rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, xuất khẩu và khai thác thị trường đầy tiềm năng này.
Theo Bộ Công thương, Đài Loan là thị trường nhiều tiềm năng với thị hiếu đa dạng, đồng thời đóng vai trò trung gian cho rất nhiều loại sản phẩm của Việt Nam sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của cộng đồng người Việt đông đảo (khoảng hơn 300.000 người) tại đây cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại song phương cũng như tuyên truyền về thói quen tiêu dùng các mặt hàng của nước ta tại Đài Loan. Kể từ năm 2009 đến nay, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đài Loan đang có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn: Tỷ trọng nhóm mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu và khoáng sản thô xuất khẩu giảm dần; nhóm mặt hàng công nghiệp chế biến và nông lâm thủy sản đã dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Ông Trần Nhật Trung, Tổng Thư ký Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, nhìn nhận thị trường Đài Loan còn rất nhiều dư địa cho hàng Việt, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thực phẩm của Đài Loan cao, không chỉ để phục vụ cho người dân bản địa mà còn cho lượng lớn khách du lịch đến đây. Đại diện Hội đồng Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA) cũng cho biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tìm hiểu và quảng bá sản phẩm tại thị trường Đài Loan, hàng năm, Đài Loan thường xuyên tổ chức các triển lãm quy mô lớn như Triển lãm Thực phẩm quốc tế Đài Bắc, Triển lãm quốc tế Thiết bị máy móc chế biến thực phẩm và dược phẩm Đài Bắc... Để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Đài Loan, cùng với sự hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước, các DN Việt Nam cần chủ động nghiên cứu tìm hiểu thị trường, đặc biệt là phải tự ý thức trong việc quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh, không chỉ để thỏa mãn những yêu cầu của đối tác nhập khẩu mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, Đài Loan là một thị trường không dễ xâm nhập do chủ trương duy trì các tập quán thị trường trong nước và buôn bán với bạn hàng truyền thống. Bên cạnh đó, Đài Loan cũng áp dụng những tiêu chuẩn, quy định khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu. Những quy định này cũng thường xuyên được điều chỉnh, sửa đổi, gây không ít khó khăn cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cộng thêm, người Đài Loan thường sống cùng gia đình trong những căn hộ nhỏ và các khu chung cư thường có siêu thị mua sắm, nên hàng hóa được phân phối ở siêu thị là chính. Người Đài Loan thường ít dự trữ thực phẩm, do đó đóng gói hàng hóa nên nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt, kèm đầy đủ hướng dẫn sử dụng. Thu nhập ngày càng tăng, người tiêu dùng Đài Loan hướng tới thử nghiệm những sản phẩm mới, nên khi đưa hàng hóa vào Đài Loan, khâu quảng cáo, cung cấp thông tin rất quan trọng. Người tiêu dùng Đài Loan rất ít khi quan tâm đến giá sản phẩm một khi sản phẩm đó được cung cấp đầy đủ thông tin khiến họ tin tưởng.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, cho biết khi quan hệ mua bán với thị trường này, DN Việt Nam cần thẩm định kỹ đối tác, phải có các điều kiện giao dịch rõ ràng (nhất là trong đảm bảo thanh toán). Các quy định về kiểm định, kiểm dịch của Đài Loan rất chặt chẽ nên hàng hóa luôn phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ các chứng từ, chứng chỉ liên quan như C/O, giấy chứng nhận kiểm dịch, xác định dư lượng hóa chất trong sản phẩm liên quan đến nông nghiệp. Đồng thời, để thâm nhập thị trường Đài Loan được thuận lợi, DN nên tạo lập quan hệ với các nhà nhập khẩu để đưa hàng hóa vào các siêu thị. Hàng hóa cần đóng gói nhỏ gọn, thiết kế đẹp mắt kèm đầy đủ những thông tin và hướng dẫn sử dụng.