Sau loạt bài: “Bản quyền, tác quyền tăng giá – Câu chuyện nan giải” đã đăng trên báo SGGP các ngày 26, 27, 28-6 vừa qua, chúng tôi tiếp tục ghi nhận ý kiến phản hồi từ những người quan tâm đến vấn đề này.
- Ông Cao Văn Liết, Tổng Giám đốc Công ty VSTV (K+): Tránh phát triển vô tổ chức
Công ty VSTV thực sự mong mỏi ngày chính thức công bố Quy chế Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền (THTT). Rõ ràng, với sự ra đời của quy chế này sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn các đơn vị kinh doanh THTT, tránh tình trạng phát triển không có tổ chức và không tuân thủ bất cứ tiêu chuẩn nào. Cơ quan quản lý Nhà nước có văn bản pháp lý để quản lý, các đơn vị kinh doanh THTT dựa vào một khung pháp lý để hoạt động và giúp cho người dân được hưởng những dịch vụ THTT chất lượng. Cái được của quy chế là đã đưa ra khái niệm rõ ràng về dịch vụ THTT so với truyền hình quảng bá; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và tạo điều kiện cho các kênh truyền hình trong nước phát triển, giúp khắc phục tình trạng vi phạm bản quyền.
Nhưng với các yêu cầu rất khắt khe về biên tập, biên dịch và Việt hóa các kênh nước ngoài, thì số lượng kênh nước ngoài sẽ giảm dần và khán giả Việt Nam có thể sẽ không còn được xem một số kênh cũng như một số chương trình nổi tiếng trên thế giới. Vì nếu các nhà cung cấp THTT đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về biên tập, biên dịch đối với các kênh nước ngoài như quy định thì hoặc là chi phí sẽ rất cao, hoặc không thể thực hiện được (đối với các kênh tin tức).
- Ông Xuân Sơn (một bạn đọc ở Thảo Điền, Q2, TPHCM): Các nhà đài nên cạnh tranh lành mạnh
Trong kinh doanh, nguyên tắc bất di bất dịch là lợi nhuận càng cao càng tốt. Ở đây là việc tăng giá của đại lý (như bài báo đã nêu) các kênh nước ngoài rõ ràng là một sự áp đặt và việc tăng giá như vậy chưa thấy tạo ra giá trị gia tăng nào cho khán giả.
Khi áp đặt giá mua đến một mức cao ngất ngưởng thì hệ quả là “tức nước vỡ bờ”, nhà đài xuống sóng = khán giả không có cơ hội xem những kênh truyền hình này. Khi các đài truyền hình không đủ khả năng mua bản quyền (vì giá quá cao) thì hệ lụy là để lấp sóng các đài buộc phải vi phạm bản quyền. Khi bị phát hiện vi phạm bản quyền, một số đài thường thanh minh là “để nhằm phục vụ khán giả” hoặc “nước ta còn nghèo tiền đâu mà mua hết được”. Những lý do đó, tôi cho là bao biện vì “nghèo không có nghĩa là không có lòng tự trọng để đi… ăn cắp”.
Nên chăng, giải pháp trước mắt các nhà đài nên ngồi lại với nhau để trao đổi cụ thể, sòng phẳng và cạnh tranh lành mạnh và nếu được có thể tất cả đều đồng lòng xuống sóng hàng loạt kênh. Suy cho cùng, khán giả như chúng tôi đâu có đòi hỏi và đâu có thời gian để coi hết một “rừng” kênh nước ngoài như hiện nay, vừa lãng phí tiền bạc do các nhà mạng mua bản quyền, vừa mất thời gian. Hơn nữa đơn vị THTT cũng nên linh hoạt trong chiến lược kinh doanh với những gói thuê bao cơ bản, trung cấp và cao cấp để khán giả chọn lựa phù hợp với yêu cầu, kinh tế của mình. Như vậy, tôi nghĩ, sẽ giảm được số thuê bao của những gói cao cấp có các kênh nước ngoài lớn như: HBO, Disney, Star Movies…
|
NHƯ HOA (ghi)