Việc chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác… đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao năng lực PVTM một cách tổng thể, toàn diện nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ hợp pháp, hợp lý sản xuất trong nước.
Tính đến tháng 12-2020, Việt Nam đã chủ động điều tra 19 vụ việc PVTM và đang xử lý hồ sơ khởi kiện của nhiều ngành hàng khác. Các sản phẩm bị điều tra, áp thuế tương đối đa dạng, từ nguyên vật liệu như sắt thép, kim loại, hóa chất, nhựa, phân bón cho đến hàng tiêu dùng như bột ngọt, đường… Trong đó, áp dụng điều tra 13 biện pháp PVTM đối với phân bón DAP; bột ngọt; các sản phẩm sắt, thép như phôi thép, thép dài, thép mạ, thép hình, tôn màu và màng BOPP.
Theo ghi nhận của Cục PVTM (Bộ Công thương), các biện pháp phòng vệ kịp thời đã góp phần bảo vệ việc làm hơn 150.000 lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng ngàn tỷ đồng; khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra đối với DN trong nước, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua, nhưng đại diện Bộ Công thương cho biết, công tác PVTM của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như năng lực PVTM của nhiều ngành hàng, doanh nghiệp chưa được nâng cao; hệ thống pháp luật, cơ chế triển khai, phối hợp giữa các cơ quan trong công tác xử lý các vụ việc PVTM còn bất cập; nguồn nhân lực thực hiện công tác PVTM chưa tương xứng với sự gia tăng về số lượng và độ phức tạp của các vụ việc khởi kiện và kháng kiện PVTM…
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, cho biết, để ổn định sản xuất cũng như đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập mới của Việt Nam, năm 2020, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định EVFTA về PVTM. Năm 2021, Cục PVTM tiếp tục đề xuất xây dựng thông tư hướng dẫn biện pháp PVTM để thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo đại diện Ban chỉ đạo 35 Bộ Công thương, muốn khai thác hiệu quả các hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp... các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao năng lực PVTM. Trong đó, việc nghiên cứu rà soát và hoàn thiện pháp luật PVTM của Việt Nam phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng bộ, phù hợp và thống nhất với các cam kết quốc tế; củng cố cơ chế phối hợp thống nhất, xuyên suốt xử lý vụ việc PVTM giữa các bộ ngành và địa phương, giữa các cơ quan trong nước và ngoài nước, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội; hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu hải quan với cơ sở dữ liệu về PVTM để phục vụ công tác điều tra, áp dụng và ứng phó với các vụ việc PVTM. Đồng thời, xây dựng chiến lược chủ động sử dụng các công cụ PVTM để bảo vệ hợp lý và hợp pháp ngành sản xuất trong nước theo đúng cam kết quốc tế và pháp luật trong nước.