Việc tăng lương tối thiểu sớm hơn lộ trình 3 tháng nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người lao động trong cơn bão giá hiện nay là một quyết sách kịp thời. Đáng lẽ khi được tăng lương, người lao động phải vui nhưng trên thực tế họ vẫn lo nhiều hơn mừng. Vì sao?
Lương tăng, thu nhập giảm
So với hiện tại, mức lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1-10-2011, tại TPHCM (được áp dụng mức lương vùng I) lương tối thiểu là 2 triệu đồng/tháng, thay cho mức đang áp dụng là 1,55 triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp FDI và 1,35 triệu đồng với doanh nghiệp trong nước. Như vậy, so với lương tối thiểu vùng đang áp dụng, bảng lương mới sẽ cao hơn từ 450.000 – 650.000 đồng/tháng. Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu. Còn mức lương tối thiểu của nhà nước đưa ra được doanh nghiệp dùng để ghi trên hợp đồng lao động và làm căn cứ đóng BHXH, BHYT cho người lao động.
Theo Ban quản lý KCN - KCX TPHCM, đa phần doanh nghiệp trong KCN - KCX có vốn đầu tư nước ngoài hiện đã trả lương cho người lao động trên 2 triệu đồng/tháng, thậm chí có doanh nghiệp trả lương thực tế của người lao động trên 3 triệu đồng/tháng (cao hơn quy định mới về mức lương tối thiểu được áp dụng từ ngày 1-10 tới). Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp đối phó bằng cách cắt giảm các khoản phụ cấp như xăng xe, tiền trượt giá, tiền nhà trọ… để bù vào khoản tăng lương tối thiểu cho người lao động nên xảy ra nghịch lý “lương tăng - thu nhập giảm”.
Chị Nguyễn Thị Minh, công nhân KCX Tân Thuận cho biết, hiện thu nhập của chị cộng các khoản phụ cấp là gần 3 triệu đồng/tháng nhưng mức lương tối thiểu trên hợp đồng hiện tại có 1,55 triệu đồng/tháng. “Trong khi lần này lương tối thiểu tăng lên 2 triệu đồng/tháng, đáng lý ra công nhân chúng tôi sẽ được tăng ít nhất 445.000 đồng/tháng (đối với người có hệ số thấp nhất). Tuy nhiên, do công ty đang khó khăn về vốn, vả lại cách đây mấy tháng đã tăng thêm tiền phụ cấp, bù trượt giá nên để bù vào lương tối thiểu, công ty cắt giảm các khoản phụ cấp trên. Thu nhập chắc chắn bị giảm do phải trích một phần để đóng BHXH…”, chị Minh giải thích.
Doanh nghiệp gặp khó
Giám đốc một doanh nghiệp ngành may mặc bày tỏ: “Tôi cho rằng việc tăng lương cơ bản cho người lao động trong bối cảnh giá cả tăng cao là cần thiết. Tuy nhiên, nếu mức tăng quá cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp không đủ sức chịu đựng, buộc tính toán đến việc cắt giảm nhân công do các chi phí đầu vào đã tăng khoảng 20%, cộng thêm lãi suất ngân hàng hiện khoảng 20%, lương tăng 40%...
Đối với những doanh nghiệp sử dụng ít lao động, việc tăng lương tối thiểu sẽ không tác động nhiều. Thế nhưng, với các đơn vị sử dụng cả ngàn lao động như ngành dệt may, da giày, đánh bắt thủy hải sản, tăng lương tối thiểu 40% cũng đồng nghĩa với việc chi phí doanh nghiệp bị đội lên kinh khủng. Để không ảnh hưởng đến sản xuất không còn cách nào khác chúng tôi phải cắt giảm các khoản phụ cấp để bù vào chi phí tăng lương tối thiểu”.
Anh Hoàng Văn Năm, giám đốc một công ty xây dựng tại quận Thủ Đức cho hay, với việc điều chỉnh lương tối thiểu lần này, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn hơn doanh nghiệp FDI do biên độ tăng lương tối thiểu từ 1,35 triệu đồng/tháng lên 2 triệu đồng/tháng.
“Với lương của một công nhân hiện tại, nếu hưởng hệ số 2 áp dụng mức lương tối thiểu mới sẽ tăng thêm 1,3 triệu đồng/tháng và sẽ nâng tổng quỹ lương của doanh nghiệp lên cao, có thể vượt quá khả năng chi trả trong tình hình sản xuất hiện tại. Muốn tồn tại, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh thang bảng lương cho phù hợp nên khó tăng được thu nhập cho người lao động”, anh Năm nói.
| |
THANH TUẤN - HỒ THU