Tăng nguồn hàng hóa thiết yếu cung ứng thị trường

Bộ Công thương vừa chủ động làm việc với các nhà cung ứng, hệ thống phân phối để đánh giá nguồn cung hàng hóa trên thị trường. Theo đó, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nguồn cung hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu, không thiếu.
Nhiều mặt hàng thiết yếu đang được giảm giá mạnh tại hệ thống siêu thị
Nhiều mặt hàng thiết yếu đang được giảm giá mạnh tại hệ thống siêu thị

 Cụ thể, Việt Nam hiện đang là nước nuôi trồng nông thủy hải sản và sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thuộc tốp đầu thế giới. Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam không những cung ứng đủ cho thị trường mà còn dư để xuất khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới như gạo, một số nông thủy sản và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ như đường, sữa, dầu ăn… 

Ở góc độ nhà phân phối, qua làm việc, Bộ Công thương cho biết, các đơn vị cũng đã lên kế hoạch chủ động nguồn cung trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Qua cập nhật báo cáo cho thấy, hiện Saigon Co.op đã tăng 50% - 100% lượng hàng cung ứng cho hệ thống. Cùng với đó, các mặt hàng rau củ quả, gạo, mì, thịt, gia vị, dầu ăn… liên tục bổ sung lên quầy kệ với giá bán ổn định, thậm chí giảm giá, để người tiêu dùng yên tâm. Còn với hệ thống siêu thị BigC, đơn vị này cũng đã tăng gấp 3 lượng hàng dự trữ tại các kho. Các siêu thị Vinmart, Lotte Mart, MM Megamarket… cũng cho biết, nguồn cung hàng hóa thực phẩm thiết yếu trong hệ thống vẫn được bảo đảm giá ổn định và có nguồn hàng dự trữ từ các tỉnh thành khác. 

Theo số liệu tổng hợp từ các bộ ngành và hiệp hội ngành hàng, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu trên cả nước năm 2020 sẽ rất dồi dào. Trong đó, mặt hàng lương thực, sản lượng thóc đạt 43,3 triệu tấn (tương đương 26 triệu tấn gạo); thịt gia súc, gia cầm đạt 5,5 - 5,8 triệu tấn; thủy hải sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn. Riêng mặt hàng rau quả, sản lượng dự kiến đạt 17,18 triệu tấn và tổng sản xuất các loại rau củ quả đạt khoảng 40 - 50 triệu tấn. Những mặt hàng khác như dầu ăn, đường, giấy vệ sinh, thuốc… cũng được dự trữ không những đủ cho cung ứng trong nước mà còn đảm bảo xuất khẩu. 

Doanh nghiệp tìm nguồn cung ứng nguyên liệu

Để giảm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang liên kết với nhau để hỗ trợ nguồn cung nguyên liệu sản xuất, giảm áp lực phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. 

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang cho biết, DN đã chủ động phương án dự phòng, tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu thay thế cùng loại từ nhiều thị trường khác nhau trong và ngoài nước. Mặc dù, các nguồn nguyên liệu mới có thể tăng giá 5% - 10%, có nơi lên đến 20%, có thể ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm, song công ty chấp nhận để duy trì hoạt động sản xuất, đáp ứng kịp các đơn hàng để cung cấp cho thị trường.

Từ năm 2019, Điện Quang đã có chủ trương khai thác yếu tố kinh tế tuần hoàn, như xây dựng các bộ sản phẩm tuần hoàn và tuần hoàn nguyên vật liệu (tái sử dụng bao bì, dùng thùng, khay nhựa thay cho bao bì carton), thu hồi sản phẩm và tái xử lý vật tư từ các công trình. Thời điểm dịch Covid-19 chính là cơ hội để công ty đẩy mạnh thực hiện sâu rộng chủ trương lớn này. 

Ngoài ra, để giúp người dân hạn chế đến những nơi đông người, khả năng lây lan cao, nhiều DN đã và đang làm việc với hệ thống phân phối thúc đẩy việc bán hàng online. Song song đó, các DN đẩy mạnh việc cung cấp thông tin đầy đủ, chi tiết sản phẩm trên website, mạng xã hội, tư vấn trực tuyến 24/24 giờ nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn. (LÊ ÁNH)

Tin cùng chuyên mục