Tặng nhau cả một tấm lòng trăm năm

Tặng nhau cả một tấm lòng trăm năm

Ngày còn ở đất Bắc, những buổi ứ hự với những gánh ca trù đã trở thành một phần máu thịt của kẻ nệ cổ là tôi. Nhưng, từ đận vào Sài Gòn định cư, thú chơi ấy trở nên xa vời. Đã đành là mình vẫn nghe ca trù qua băng đĩa, vẫn đàm luận về nghệ thuật hát ả đào với bè bạn qua internet mỗi ngày rồi lúc cao hứng vẫn chui vào phòng riêng mà thả những tiếng đàn đáy nục nạc, tắc tùng vài khẩu trống chầu hay ứ hự một đôi câu…, nhưng thực tình là vẫn không thấy phong vị.

Nghề chơi nó khổ vậy, hay dở chưa bàn nhưng cứ phải được chơi cái đã. May mắn làm sao, buổi sáng tinh sương của một ngày Sài Gòn trở mát, một người chị biết sở thích của đứa em chưa già mà đã nệ cổ nên tặng tôi một cơ hội được tham dự một buổi biểu diễn ca trù. Thưởng lãm ca trù ở ngay đất Sài thành náo nhiệt, quả là một hạnh ngộ bất ngờ!

Tặng nhau cả một tấm lòng trăm năm ảnh 1

Một chương trình quà tặng văn hóa - di sản “Trăm năm còn một tấm lòng”.

Khán phòng nhìn ra khu vườn rợp cây trái và ríu rít tiếng chim muông quả là hợp cho một gánh hát ả đào. Bữa nay, nhà thơ Nguyễn Hồng Oanh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển giao lưu văn hóa - khoa học và giáo dục, cậy nhờ các thành viên CLB Nguyễn Du giúp mình tặng món quà văn hóa - di sản Trăm năm còn một tấm lòng cho người thân của mình là cặp vợ chồng tài tử: nghệ sĩ Kim Minh - họa sĩ Lâm Triết.

Bất ngờ lớn nhất của tôi là gặp nghệ sĩ Đức Dậu. Vẫn biết anh là đại gia trong giới sưu tầm nhạc cụ dân tộc với gần 2.000 hiện vật hợp thành “kho tàng kim khí giàu giai điệu”; vẫn biết anh là nghệ sĩ biểu diễn đắt show khắp trong và ngoài nước, nhưng mang đặt một cái trống chầu xinh xinh trước mặt một người cả đời mê mẩn trống sấm và suốt ngày nhún nhảy thì tuồng như có gì đó khập khiễng.

Ấy thế mà tôi lầm. Thêm một lần tôi bất ngờ về Đức Dậu, sự sành sỏi của một quan viên uyên bác ở anh toát lên ngay từ dáng ngồi đường bệ, cái doi chầu đầy kiêu bạc và uy lực cho đến những tiếng cắc, tùng đanh, sắc lúc dẫn dắt điệu hát, ngọt và sóng sánh tình lúc thưởng đào câu hát hay, một khổ phách giòn, khen kép sau mỗi khẩu đàn biến ảo. Kép Mạnh Hùng cũng gây ấn tượng cho người thưởng lãm từ cái dáng phong lưu tài tử đến những tiếng đàn nục nạc làm tôn lên giọng hát của đào nương. NSƯT Trần Thị Tuyết tự nhận rằng chỉ là một người yêu ca trù, là hậu sinh mà không khả úy, nhưng nghe bà hát:

Sau trăm tuổi vắng ta trên trần thế
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm
Cùng nhau ta hãy uống thêm...

(Gặp xuân, Tản Đà) - thì quả là cái tình, cái vị cũng không đến nỗi làm hổ danh của đấng sinh thành - nghệ sĩ Nguyễn Thị Phúc, một cây đa cây đề trong giới ca trù thuở trước…

8 tuổi đã bén duyên ca trù qua những buổi điếu đóm cho ông, cha thưởng lãm những buổi hát ả đào. Tiếng đàn đáy nục nạc, điệu hát ma mị của đào nương, khẩu trống chầu đĩnh đạc của quan viên dần len vào trái tim non nớt của Hồng Oanh. Sau này, dù đã có lúc ca trù chịu cảnh hắt hủi của người đời, thì điệu hát, tiếng phách, khổ đàn vẫn là những gì tươi đẹp níu giữ Oanh khỏi không bị cuốn trôi bởi cơn ba động của công cuộc mưu sinh khổ cực.

Năm 2004, khi Trung tâm Phát triển giao lưu văn hóa - khoa học và giáo dục (Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam) được thành lập thì với vai trò là Phó giám đốc, nhà thơ Hồng Oanh càng có đất để thể hiện niềm đam mê thơ phú văn chương và những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đình đám nhất là chị đã ghi dấu ấn với cuộc chơi hát Truyện Kiều (Nguyễn Du) kiểu dân ca ba miền. CD Hát thơ Kiều ra đời năm 2006 được thể hiện bằng các làn điệu: tài tử Nam bộ, hò Huế, ví dặm Nghệ An, ca trù... thực sự là một cuộc hôn phối thú vị và nhiều dư ba.

Rồi chị cùng những người đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu cũng tất bật với những chuyến đi giới thiệu âm nhạc, thơ ca dân tộc đến với giới trẻ. Có buổi giao lưu với một trường học ở quận Tân Bình - TPHCM, hàng ngàn học sinh ngồi dưới sân chăm chú lắng nghe các bà, các chị ngâm thơ, hát ru, lẩy Kiều... GS-TS Trần Văn Khê từng xúc động nhận xét về giọng hát của người đàn bà đa đoan này: “Con hát không phải bằng giọng đẹp mà từ chính máu thịt của mình”.

Từ những hoạt động phong phú của Trung tâm Phát triển giao lưu văn hóa - khoa học và giáo dục luôn thu hút được sự quan tâm và tham dự của đông đảo mọi người thuộc đủ thành phần lứa tuổi, chị Hồng Oanh nhận ra rằng giới trẻ vẫn yêu thích những loại hình văn nghệ truyền thống, có điều, họ chưa có một lối về. Cũng nhân dịp nước ta trình hồ sơ ca trù lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) để công nhận loại hình diễn xướng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, năm 2008, chị Hồng Oanh liều lĩnh thành lập CLB Nguyễn Du quy tụ những nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên về ca trù và hát thơ.

Vẫn biết nói chuyện hát ả đào ở đất Sài Gòn là quá khó khăn nhưng còn một người nghe cũng quý, cũng vẫn phải trân trọng và giữ gìn. Vậy nên chị Hồng Oanh gắng sức cho cái nghiệp giang sơn một gánh giữa đồng. Gom góp mãi mới được 6 đào, hầu hết là đào già, 1 kép, 1 người biết đánh trống chầu nhưng chị vẫn gắng sức quy tụ mọi người hàng tháng đến 82 Nguyễn Du - Q1 - TPHCM để rèn câu hát nói, điệu dựng Đường thi, lối hát Bắc phản…

Đành rằng, phần lớn mọi người đều rẽ ngang sang ca trù nên điệu nhấn nhá trong giọng hát đôi chỗ còn phô, lời thơ nhiều khi còn chưa thuộc nên buổi biểu diễn bị ngắt quãng rồi cũng mới chỉ xẩm huê tình, hát nói, hát ru… là được biểu diễn thường xuyên chứ những bài bản khó: ngâm vọng, Bắc phản, hãm, hát giai, thét nhạc… thì vẫn là những bài toán hóc búa đối với hầu hết thành viên. Nhưng, gắng sức để yêu là có niềm tin để vượt qua tất cả. Tôi tin là như vậy.

Cũng như tôi, nhiều người yêu mến nghệ thuật ca trù, báu vật của cha ông cũng rất thích thú với hoạt động quà tặng văn hóa - di sản Trăm năm còn một tấm lòng của CLB Nguyễn Du. Khi ai đó có nhu cầu, các đào, kép ở đây sẽ biểu diễn trọn gói một chầu hát ả đào, từ làm thơ theo chủ đề đến thể hiện các bài thơ đó theo các làn điệu ca trù để làm nên một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc sắc. Chị Hồng Oanh cho biết, hàng tháng chị nhận được rất nhiều lời yêu cầu dịch vụ; đặc biệt, rất nhiều người ở nước ngoài cũng điện thoại về đặt hàng CLB tặng những món quà trăm năm cho ông bà, cha mẹ mình.

Mong ước lớn nhất của chị Hồng Oanh là làm tốt hơn nữa hoạt động quà tặng văn hóa - di sản Trăm năm còn một tấm lòng để góp phần quảng bá cái hay, cái đẹp của nghệ thuật ca trù đến với đông đảo công chúng, nhất là ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, nơi vốn khá xa lạ với loại hình nghệ thuật này. Song song đó, CLB cũng luôn rộng vòng tay đón các bạn trẻ vào sinh hoạt cũng như tổ chức nhiều buổi giao lưu, nói chuyện, đưa âm nhạc dân tộc, trong đó có ca trù vào trường học để ươm mầm những tài năng cho tương lai.

Bút huê thảo tình thư một bức
Tâm sự này vằng vặc bóng trăng soi
Chữ nhân duyên đưa lại bởi trời
Duyên hội ngộ thề bồi non với nước

Điệu hát Gửi thư ấy cứ vấn vít tôi trên suốt chặng đường về…

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tin cùng chuyên mục