Tăng phối hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm

Từ nay đến Tết Mậu Tuất 2018 - thời điểm “nóng bỏng” nhất về vi phạm ATTP, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đẩy mạnh tăng cường kiểm soát đặc biệt đối với các nhóm ngành hàng nguy cơ cao được tiêu thụ mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM
Bà Phạm Khánh Phong Lan Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM

Sau hơn 9 tháng hoạt động thí điểm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM đã hình thành mạng lưới quản lý ATTP phủ khắp 24 quận, huyện và chợ đầu mối; phối hợp hiệu quả với hệ thống liên ngành sẵn có của quận huyện và các sở ngành về bảo đảm ATTP cho đối tượng nguy cơ. Từ nay đến Tết Mậu Tuất 2018 - thời điểm “nóng bỏng” nhất về vi phạm ATTP, ban đẩy mạnh tăng cường kiểm soát đặc biệt đối với các nhóm ngành hàng nguy cơ cao được tiêu thụ mạnh. Đó là khẳng định của bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM (ảnh) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

THÀNH AN (thực hiện)

- Phóng viên: Thưa bà, TPHCM là địa phương đầu tiên thí điểm thành lập Ban Quản lý ATTP. Sau 9 tháng hoạt động, vấn đề quản lý ATTP của thành phố đã có những chuyển biến đáng kể nào?

* Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN: Song song với việc nhanh chóng hình thành bộ máy và ổn định tổ chức, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã thật sự đi vào hoạt động. Vẫn còn hơi sớm để nói đến những chuyển biến, dù lãnh đạo TPHCM đã đánh giá cao hiệu quả hoạt động bước đầu của ban, tuy nhiên chúng tôi tự đánh giá là đã thành công trong việc chuyển giao công việc quản lý từ các sở ngành, không bị khoảng trống.

Lực lượng của ban cũng đã xây dựng được chương trình kế hoạch hành động và bắt tay vào việc, thể hiện ưu điểm của một đầu mối quản lý như: hình thành mạng lưới quản lý ATTP phủ khắp 24 quận huyện và chợ đầu mối; phối hợp hiệu quả với hệ thống liên ngành sẵn có của quận huyện và các sở ngành về bảo đảm ATTP cho đối tượng nguy cơ.

Bên cạnh đó, công tác cấp phép giao về một đầu mối tạo thuận lợi cho người hành nghề và nhất quán trong kiểm soát, hoàn thiện chính sách. Hệ thống và quy trình xử lý ngộ độc thực phẩm được hoàn thiện (trong năm không có vụ ngộ độc thực phẩm nào quy mô trên 30 người). Công tác tập huấn, truyền thông được đẩy mạnh có trọng điểm và chủ động kịp thời. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn; tăng cường phối hợp với các địa phương, các hội nghề nghiệp để bảo đảm giám sát hiệu quả, cùng hỗ trợ cho nông sản sạch.

- Từ thực tế công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố thời gian qua, đâu là điều lãnh đạo Ban ATTP thành phố lo lắng nhất?

* Lĩnh vực quản lý ATTP luôn đầy khó khăn và áp lực, bởi liên quan đến sức khỏe của người dân. Chúng tôi đang và sẽ cố gắng hết sức, nhưng điều làm chúng tôi lo lắng nhất là việc thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ nguồn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Tôi đánh giá có 2 mối nguy lớn gây mất ATTP, đó là nhiễm khuẩn từ nguồn (trong quá trình sản xuất, nuôi trồng) do sử dụng thuốc trừ sâu không đúng, chất cấm, phụ gia công nghiệp… và nhiễm vi sinh, ô nhiễm trong quá trình tồn trữ, phân phối, chế biến sử dụng, đặc biệt nguy cơ ngộ độc thực phẩm khi dùng cho nhiều người (bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp).

Với quyền hạn của ban, chúng tôi có thể ngăn chặn hiệu quả mối nguy thứ hai, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp. Tuy nhiên, đối với mối nguy thứ nhất, chúng tôi chỉ làm được phần ngọn là phát hiện khi lấy mẫu xét nghiệm.

Thực tế cho thấy chỉ vì ham lợi, người nông dân vẫn có thói quen lạm dụng thuốc trừ sâu, người chăn nuôi và thương lái sử dụng chất cấm, người chế biến thực phẩm sử dụng phụ gia công nghiệp và quan trọng nhất là những hóa chất này bằng cách này hay cách khác vẫn được nhập khẩu về với số lượng lớn, giá rẻ, ai mua cũng được. Cho nên để công tác quản lý ATTP thật sự có hiệu quả, cần xác định đúng tận gốc và tập trung giải quyết.

- Vậy đó có phải là nguyên nhân để Ban ATTP đưa ra kiến nghị trong buổi làm việc với HĐND TPHCM về việc chuyển giao Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ Sở Công thương TP về ban để tiện quản lý?

* Sau 1 năm Sở Công thương TP thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo đã mang lại nhiều kết quả bước đầu. Tuy nhiên đề án cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu kiểm soát và phối hợp. Điều này đặt ra bài toán tương tự về việc thống nhất một đầu mối giải quyết để tăng cường hiệu quả và không bị động, cũng như bảo đảm đồng bộ với các hoạt động khác, mà TP đã giải đề toán này bằng cách thành lập Ban Quản lý ATTP.

Do đó, để có thể kiểm soát tốt thực phẩm từ nguồn, ban đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Công thương bàn giao công việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm và Sở NN-PTNT TP bàn giao công tác kiểm soát giết mổ về ban. Trong thời gian chuyển tiếp, ban đề nghị gắn camera theo dõi tại các lò mổ và được cùng giám sát các camera này.

Nếu được chấp thuận, chúng tôi sẽ tiếp tục đề án này, trên cơ sở chuyên sâu và tập trung hơn, theo lộ trình tăng dần. Những con heo tham gia truy xuất nguồn gốc phải được kiểm soát từ khâu chăn nuôi (với sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT TPHCM và các tỉnh); có chế độ lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát khi xuất chuồng cho đến khi vào chợ. Các thương lái cũng sẽ được huấn luyện, cam kết tham gia quy trình và có sự kiểm soát.

Song song đó là việc kiểm soát giết mổ, là đề án chuỗi thực phẩm an toàn (trong đó có thịt heo). Tôi khẳng định không chạy theo số lượng dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát, mà phải tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng để heo có truy xuất nguồn gốc thật sự được tin tưởng.

- Thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đang đến rất gần, đây cũng là thời điểm gia tăng vi phạm ATTP trước nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao, Ban ATTP đã có kế hoạch cụ thể gì để đảm bảo an toàn sức khỏe người dân?

* Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra của năm 2018, với đợt cao điểm quý 1 tập trung cho Tết Mậu Tuất.

Với lực lượng các đội thanh tra liên quận huyện, chợ đầu mối và thanh tra thường trực ở ban, chúng tôi sẽ phối hợp cùng lực lượng liên ngành quận huyện và lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công thương tăng cường kiểm soát, đặc biệt tập trung vào các nhóm ngành hàng nguy cơ cao do tiêu thụ mạnh trong dịp tết, gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến (mứt, lạp xưởng, đồ khô), rượu bia.

Trong cả năm, chúng tôi sẽ tổ chức các đợt thanh kiểm tra theo chuyên đề vào một số nhóm ngành hàng, cũng như việc tuân thủ các điều kiện vệ sinh ATTP của các cơ sở kinh doanh. Ban ATTP luôn sẵn sàng lực lượng trực xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn cùng hệ thống y tế các quận huyện.

"Không phải chúng ta không làm được thực phẩm sạch, năm 2017 vừa qua chúng ta đã xuất được 3,5 tỷ USD rau củ quả, 8 tỷ USD thủy hải sản (nông thủy sản đã vượt dầu thô), đó là nhờ các nước siết chặt hàng rào kỹ thuật và doanh nghiệp bắt buộc tuân thủ nếu không muốn bị trả hàng, phá sản. Trong khi thị trường trong nước thì vàng thau lẫn lộn, thực phẩm sạch bị lép vế vì giá cả, thị hiếu....

Do đó, cái cần thay đổi trong vấn đề quản lý ATTP không chỉ là “bộ mặt”, mà chúng tôi mong muốn và quyết tâm là làm sao thay đổi được “bản chất”, để thực phẩm cho người dân thật sự an toàn. Muốn vậy phải giải quyết được mối nguy thứ nhất về các hóa chất độc hại. Phải dẹp thực phẩm bẩn thì thực phẩm sạch mới có đất sống"

Bà Phạm Khánh Phong Lan
Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM

Tin cùng chuyên mục