Năm 2020, thế giới tập trung phối hợp các loại thuốc hiện có để chữa trị Covid-19 song song với việc tiếp tục phát triển vaccine. Sang năm 2021, sau khi nhiều loại vaccine Covid-19 ra đời, trọng tâm nghiên cứu là các loại thuốc kháng virus mới để giúp điều trị hiệu quả hơn những người mắc Covid-19. Tập trung tiêm vaccine là điều quan trọng, nhưng chỉ là một phần trong kho vũ khí cần thiết để chống lại virus SARS-CoV-2. Không phải ai cũng có đủ điều kiện để tiêm phòng vaccine Covid-19. Đối với một số người, chẳng hạn như người bị suy giảm miễn dịch, vaccine không mang lại nhiều hiệu quả.
Chính vì vậy, các nhà khoa học đang chạy đua chế tạo một loại thuốc viên mà mọi người có thể uống tại nhà để điều trị căn bệnh này trong giai đoạn sớm nhất. Vào tháng 6, Chính phủ Mỹ đã khởi động một chương trình mới được gọi là Chương trình chống virus trong các đại dịch (APP) với hơn 3 tỷ USD đầu tư, trong đó chủ yếu là phát triển thuốc kháng virus để điều trị Covid-19. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), giải thích: “Mục tiêu của APP là phát triển các loại thuốc kháng virus dạng uống có thể dùng tại nhà ngay sau khi các triệu chứng Covid-19 xuất hiện”.
Hiện thế giới có vài chục công trình nghiên cứu thuốc kháng virus để điều trị Covid-19. Trong đó, những “ông lớn” về dược phẩm như Merck và Pfizer đang tiến gần nhất tới đích với phương pháp điều trị kháng virus SARS-CoV-2 đường uống. Loại thuốc tiềm năng của Merck được gọi là molnupiravir, vốn được phát triển cách đây vài năm với mục đích ban đầu để kháng virus cúm. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả đầy hứa hẹn của molnupiravir đối với cả SARS-CoV-2 và virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông. Molnupiravir hiện đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn 3. Chính phủ Mỹ gần đây đã đặt hàng trước 1,7 triệu liều molnupiravir, với chi phí 1,2 tỷ USD. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, công ty hy vọng loại thuốc này sẽ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cuối năm 2021.
Loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 tiềm năng thứ hai của Pfizer độc đáo hơn một chút. Hiện được đặt tên là PF-07321332, đây là thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng trên người được thiết kế đặc biệt để nhắm mục tiêu là virus SARS-CoV-2. So với một số loại thuốc dùng cho điều trị người mắc Covid-19 phải sử dụng ở bệnh viện, PF-07321332 được chế tạo để có thể đơn giản uống bên ngoài bệnh viện ngay từ khi mới mắc Covid-19. Các thử nghiệm giai đoạn 1 với PF-07321332 bắt đầu vào đầu năm 2021. Pfizer chưa công bố kết quả chính thức nào của giai đoạn 1 nhưng gần đây thông báo giai đoạn thử nghiệm 2 sẽ bắt đầu vào tháng 8, cho thấy dữ liệu ban đầu khả quan.
Một công ty Nhật Bản tên là Shionogi hiện đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm một chất ức chế protease tương tự đối với virus SARS-CoV-2. Được gọi là S-217622, đây là một loại thuốc kháng virus đường uống khác được hy vọng cũng là loại thuốc dễ uống trong giai đoạn đầu của người mắc Covid-19.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois Chicago (UIC-Mỹ) đang phát triển một loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 với 6 triệu USD tài trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Khi bệnh nhân mắc Covid-19, họ có thể gặp biến chứng nghiêm trọng như Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Trong ARDS, chất lỏng từ máu rò rỉ vào phổi, gây khó thở và giảm nồng độ oxy trong máu. ARDS có thể khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức, gây tổn thương thêm mô phổi thông qua tình trạng viêm mất kiểm soát. Những biến chứng này thường phải thông khí nhân tạo và được cho là yếu tố gây nên tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19. ARDS gây tỷ lệ tử vong cao (khoảng 50%) và hiện chưa có phương pháp điều trị. UIC đang thử nghiệm một loại thuốc tiềm năng giúp phục hồi chức năng của phổi bị tổn thương và giảm mức “bão cytokine” do ARDS gây ra. Loại thuốc này mang tên VT-109, dạng tiêm tĩnh mạch, đang được thử nghiệm trên các loài động vật trước khi xem xét thử nghiệm trên người.