Tăng trưởng việc làm toàn cầu suy giảm

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) của Liên hiệp quốc (LHQ) dự báo tăng trưởng việc làm toàn cầu trong năm nay sẽ ở mức 1%, chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng 2% của năm ngoái và thấp hơn mức dự báo 1,5% do ILO đưa ra trước đó.
Người lao động Hàn Quốc xem bảng thông báo tuyển dụng
Người lao động Hàn Quốc xem bảng thông báo tuyển dụng

Xu hướng phục hồi không đồng đều

Theo báo cáo thường niên của ILO về Triển vọng việc làm và xã hội thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu trong năm nay sẽ là 5,8%, tương đương 208 triệu người, cao hơn mức dự báo 205 triệu người được đưa ra trước đó. Giám đốc bộ phận nghiên cứu của ILO Richard Samans nhận định, tăng trưởng việc làm toàn cầu chậm lại, đồng nghĩa với những thiệt hại do cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ không thể được bù đắp trước năm 2025.

ILO cho rằng lạm phát leo thang đã khiến lương thực tế suy giảm nhanh chóng. Kinh tế đi xuống khiến nhiều lao động buộc phải chấp nhận các công việc chất lượng thấp, thu nhập kém trong năm 2023, trong khi lạm phát khiến tiền lương thực tế giảm đi. Những người trong độ tuổi từ 15-24 đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong việc tìm và duy trì công việc tốt. Khi giá cả tăng nhanh hơn thu nhập, khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ đẩy nhiều người vào nghèo đói, trong khi tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới sẽ tăng lên.

Tình trạng suy giảm những công việc chất lượng đang trở nên trầm trọng hơn do nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc bao gồm xung đột tại Ukraine, căng thẳng địa chính trị, phục hồi không đồng đều sau đại dịch Covid-19 và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Trước tình hình này, ILO kêu gọi tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo, khi có tới 2/3 lực lượng lao động trẻ toàn cầu thiếu kỹ năng cơ bản, khiến họ khó tìm việc.

Xu hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19 diễn ra không đồng đều tại các nước thu nhập thấp và trung bình đã tác động đến phần lớn người lao động trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế và việc làm sẽ chậm lại trong năm 2023 đồng nghĩa phần lớn các quốc gia sẽ không thể phục hồi về mức trước đại dịch trong tương lai gần. Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh năng lượng và lương thực, lạm phát tăng vọt, việc siết chặt chính sách tiền tệ và nỗi lo ngại về nguy cơ suy thoái khiến cả tăng trưởng và chất lượng việc làm đều đi xuống. Việc siết chặt chính sách quá mức có thể gây tổn hại đến việc làm và thu nhập ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Cần các chính sách toàn diện

Do kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, tỷ lệ lao động đang tăng nhanh nhất trong khu vực phi chính thức. Theo thống kê của ILO, vào năm ngoái, khoảng 2 tỷ người trên toàn thế giới làm việc trong khu vực phi chính thức. Đây cũng là khu vực đóng góp chính cho xu hướng phục hồi lao động sau Covid-19. Nhiều khả năng xu hướng giảm bớt việc làm phi chính thức trên thế giới sẽ bị đảo ngược trong những năm tới.

Trong năm 2022, ước tính có 214 triệu người lao động, tương đương 6,4% trong tổng số những người có việc làm, sống ở mức nghèo đói với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày. Xu hướng tăng trưởng năng suất suy giảm trong dài hạn tại các nước phát triển đã lan sang các nền kinh tế mới nổi lớn. Đây là vấn đề gây quan ngại do tăng trưởng năng suất sẽ giúp đẩy lùi các cuộc khủng hoảng về sức mua và hệ sinh thái bền vững.

Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo kêu gọi thực hiện loạt chính sách nhằm hỗ trợ những người dân và doanh nghiệp dễ tổn thương nhất, bao gồm việc sử dụng lợi nhuận khổng lồ của các tập đoàn cho việc hỗ trợ việc làm và thu nhập. Ông Houngbo nhấn mạnh tầm quan trọng của các gói chính sách xã hội và đảm bảo việc siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát phù hợp với các biện pháp xã hội. Theo Tổng Giám đốc ILO, việc ngăn ngừa thị trường lao động toàn cầu suy giảm mạnh sẽ đòi hỏi các chính sách toàn diện, hội nhập và cân bằng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục