Tạo điều kiện cho tư nhân tham gia hoạt động thống kê

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10, khai mạc vào tháng 10 tới. Ngay trong kỳ họp lần thứ 40, từ ngày 10-8 đến 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật này.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 10, khai mạc vào tháng 10 tới. Ngay trong kỳ họp lần thứ 40, từ ngày 10-8 đến 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án luật này.

Góp ý kiến về dự thảo Luật Thống kê, PGS-TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê, kể cả thống kê ngoài nhà nước. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dự thảo luật chưa đề cập cụ thể đến điều kiện và tiêu chí để được công nhận đối với thống kê ngoài nhà nước; chưa “khoanh vùng” những lĩnh vực cụ thể mà thống kê ngoài nhà nước được tham gia và công bố số liệu. Hơn nữa, giải pháp xử lý khi có vấn đề trong quá trình thu thập và cung cấp số liệu của thống kê ngoài nhà nước cũng chưa rõ. PGS-TS Vũ Sỹ Cường mạnh dạn kiến nghị, trong một vấn đề mà thống kê nhà nước và thống kê ngoài nhà nước cùng nghiên cứu, nên đưa vào luật nội dung “ai minh bạch về phương pháp tiếp cận, phương pháp thu thập và xử lý thông tin... thì số liệu đó được xem là chính thức”. Không chỉ đối với thống kê ngoài nhà nước, mà cả đối với thống kê nhà nước thì những quy định về xử lý vi phạm trong thống kê là chưa rõ ràng trong dự thảo luật. Dự thảo chưa trả lời câu hỏi ai có thể kiểm tra, giám sát số liệu thống kê; quy trình và hình thức để giám sát, thẩm tra số liệu thống kê; khi cơ quan thống kê nhà nước vi phạm luật thống kê thì ai/cơ quan nào có đủ năng lực và thẩm quyền xử lý...

Liên quan đến sự công khai, minh bạch và quyền tiếp cận số liệu thống kê của cá nhân, tổ chức, vẫn chuyên gia trên ghi nhận: dự thảo luật đã có quy định về công khai minh bạch, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi phải đặt ra. Chẳng hạn phạm vi của việc tiếp cận số liệu thống kê đối với từng đối tượng; người dân có phải trả phí hay không trả phí cho khai thác số liệu thống kê? Dù cho rằng “có thể thu phí đối với một số loại số liệu thống kê”, nhưng PGS-TS Vũ Sỹ Cường yêu cầu lý giải rõ việc tại sao cơ quan thống kê nhà nước hoạt động bằng ngân sách nhà nước - nghĩa là tiền thuế của người dân song người dân lại phải bỏ tiền ra mua kết quả thống kê...

Quyền và nghĩa vụ trong điều tra thống kê cũng là nhóm vấn đề được nhiều ý kiến chuyên gia quan tâm, bao gồm cả quyền lợi/nghĩa vụ tài chính; trách nhiệm của các bên khi cung cấp/xử lý thông tin không đúng; chi phí phục vụ cho điều tra về phía doanh nghiệp và người dân.

Nhà nghiên cứu kinh tế Đặng Đình Ngọc bày tỏ quan tâm đến tính độc lập và hiệu quả hoạt động của cơ quan thống kê, trong bối cảnh có đến 8/24 bộ, ngành chưa có tổ chức thống kê chuyên trách. Liên quan đến vấn đề này, trong khi một số ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định trong Luật Thống kê về thống kê tại các bộ, ngành; tại cấp xã và các doanh nghiệp... cho thống nhất; song cũng có ý kiến cho rằng đó là vấn đề của các luật về tổ chức.

Có thể thấy còn rất nhiều vấn đề liên quan đến dự án luật này cần nghiên cứu, làm rõ trước khi dự thảo cuối cùng được trình cơ quan lập pháp quyết định phê duyệt, ban hành.


ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục