Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ làm việc vì lợi ích chung

Thành ủy TPHCM đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Ngày 20-2, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23 tổ chức hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí chủ trì hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí chủ trì hội thảo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.

Cần sớm có nghị quyết mới thay thế

Chia sẻ về tầm quan trọng của Nghị quyết 23 trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay xây dựng địa phương ngày càng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, quán triệt Nghị quyết 23, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bình Định đã triển khai 4 nhiệm vụ. Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với cách làm linh hoạt, sáng tạo, tỉnh Bình Định đã huy động nguồn lực của các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi với Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng trao đổi với Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu nhấn mạnh, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, từ một tỉnh có xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội thấp, đến nay, kinh tế của tỉnh Ninh Thuận đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2005-2021 là 8,77%. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân ngày càng cải thiện, khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường.

Tương tự, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước đầu những năm 2000 cũng đặt ra cho tỉnh quyết tâm phải giảm nghèo. Tuy nhiên, do nguồn lực còn khó khăn, tỉnh Bình Phước xác định phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc tìm kiếm nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo. Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 11.800 căn nhà đại đoàn kết, trung bình mỗi năm toàn tỉnh giảm từ hơn 2.200 hộ nghèo. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Bình Phước được củng cố và mở rộng, sự đồng thuận xã hội tăng lên, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trên cơ sở tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng kiến nghị Trung ương cần ban hành nghị quyết mới để tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, cần sớm rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các chính sách liên quan đến phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng cần sớm có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 23 để phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Nghị quyết mới không chỉ phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà phải cụ thể hóa là cương lĩnh, có nội dung mang tính chất là kim chỉ nam, đó là tiếp tục xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc. Cùng với đó, nắm chắc tình hình của các giai tầng trong xã hội, có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để bảo vệ, phòng ngừa từ sớm, từ xa, ngăn chặn các tác động tiêu cực vào các giai tầng; có cơ chế chính sách chăm lo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp, các giai tầng.

Lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 23, hệ thống MTTQ Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của TPHCM ngày càng hoạt động hiệu quả; tập hợp nhân dân tham gia với Đảng, Nhà nước xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn TPHCM.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhân dân các địa phương đến TPHCM sống và làm việc đã có nhiều đóng góp quý báu trên các lĩnh vực; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, chung tay, đồng lòng cùng thành phố tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.

“Những hành động đẹp, sự hy sinh, chia sẻ của đồng bào cả nước không những giúp TPHCM có thêm nguồn lực chống dịch mà còn minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân. Đó còn là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự là động lực và sức mạnh để TPHCM vượt qua mọi khó khăn, thách thức”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.

NSND Tạ Minh Tâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

NSND Tạ Minh Tâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Hồ Hải đã nhấn mạnh đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của TPHCM. Trong đó, Thành ủy TPHCM đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Lãnh đạo thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp trên các lĩnh vực, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt khác, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chương trình đối thoại, lắng nghe ý kiến các tầng lớp nhân dân hiến kế, góp ý xây dựng và phát triển TPHCM.

* PGS - TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Tìm kết nạp người tài giỏi cho Đảng

Chúng ta có rất nhiều nghị quyết nhưng việc triển khai nghị quyết vào cuộc sống chưa tới nơi tới chốn. Với sự thay đổi của công nghệ thông tin, trình độ của người dân ngày càng cao thì suy nghĩ của chúng ta phải cần sâu hơn, chất lượng hơn. Vì vậy, cần phải chú trọng đến công tác cán bộ; sử dụng nhân lực của từng địa phương, trong đó quan tâm tìm và kết nạp người tài giỏi vào hàng ngũ của Đảng.

-----------------------------------------------------------------------

*GS-TS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TPHCM:

Quan tâm nguồn lực đội ngũ trí thức

Một trong những thành tựu rất lớn thực hiện Nghị quyết 23 là phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia. Thế nhưng đến nay việc thực hiện vẫn còn hạn chế, trong khi nguồn lực này rất lớn, nhất là đội ngũ trí thức người Việt ở nước ngoài. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để họ tham gia các chương trình kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta muốn phát triển nhảy vọt thì đòi hỏi phải có chất xám nhảy vọt.

Tin cùng chuyên mục