Tạo sinh kế cho đồng bào thoát nghèo

Không chỉ trao tặng hàng ngàn con giống, chương trình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” và “Lợn giống cho người nghèo” do Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) thực hiện còn trực tiếp hướng dẫn bà con vùng biên kỹ thuật chăn nuôi.
Đàn ngan giống từ mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” của Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tặng gia đình chị Lê Thị Khêm
Đàn ngan giống từ mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” của Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tặng gia đình chị Lê Thị Khêm

Qua đó, từng bước tạo sinh kế để các hộ gia đình nghèo tại xã Trung Sơn, huyện A Lưới vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Gia đình chị Lê Thị Khêm là hộ đặc biệt khó khăn của xã Trung Sơn. Hơn 2 tháng trước, gia đình chị được Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tặng 100 con ngan giống trong mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ”. Từ nỗ lực của gia đình và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ đồn biên phòng, đến nay, đàn ngan đang phát triển tốt, tạo hướng đi mới để gia đình từng bước vươn lên trong cuộc sống. “Khi biết mình là một trong 26 hộ dân được Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân tặng ngan giống, tôi mừng lắm. Tôi đã thấy mô hình nuôi ngan thành công, cho thu nhập ổn định nhưng số vốn quá lớn nên chưa dám nghĩ đến. Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân không chỉ tặng con giống mà còn hướng dẫn xây dựng chuồng trại và đưa đi tham quan, học tập mô hình ở các địa phương khác”, chị Khêm phấn khởi kể.

Tương tự, gia đình anh Lê Quang Nhân, trú tại thôn A Deeng Par Lieng 2, xã Trung Sơn, nay đã tìm hướng đi mới để thoát nghèo. Từ mô hình “Lợn giống cho người nghèo” được Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân hỗ trợ, sau khi đàn heo phát triển tốt, gia đình anh mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm khu chăn nuôi. Không chỉ heo thương phẩm, gia đình còn nuôi thêm heo sinh sản để chủ động tạo nguồn giống tại chỗ. “Tôi sẽ chăm sóc heo giống thật tốt và gây dựng thành đàn, tạo nguồn vốn cho gia đình. Đồng thời sẵn sàng chia sẻ về con giống và kỹ thuật chăn nuôi để bà con trong bản cùng vươn lên xóa đói, giảm nghèo”, anh Lê Quang Nhân nói.

Thiếu tá Nguyễn Thành Thái, Chính trị viên phó Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, cho biết, đơn vị triển khai thí điểm mô hình “Đàn ngan khăn quàng đỏ” và “Lợn giống cho người nghèo” tại địa bàn xã Trung Sơn. Từ những kết quả thu được của mô hình, thời gian tới, đơn vị sẽ nhân rộng sang các xã thuộc địa bàn đơn vị quản lý để tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với chính quyền các địa phương vùng biên thực hiện nhiều chương trình, mô hình giúp đỡ người dân, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc Quốc giới”; “Đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”; “Hũ gạo tình thương”; “Nâng bước em đến trường”; “Đồng hành với phụ nữ biên cương”... Qua đó, chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, thông tin, mỗi năm toàn đơn vị xây dựng hơn 50 ngôi nhà trao tặng đồng bào nghèo vùng biên giới. Cán bộ các đồn biên phòng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Sau hơn 3 tháng thi công, với nỗ lực của các gia đình cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ ngày công của cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa khánh thành và bàn giao 5 nhà “Mái ấm cho người nghèo biên giới” cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại huyện biên giới A Lưới. Mỗi ngôi nhà trị giá 60 triệu đồng, đảm bảo chất lượng, phù hợp với phong tục tập quán địa phương.

Tin cùng chuyên mục