Tạo sức bật cho du lịch canh nông

Du lịch canh nông là loại hình mới được phát triển tại TP Đà Lạt và vùng phụ cận (Lâm Đồng). Sau khi các sản phẩm mới ra đời đã thu hút được lượng lớn du khách tới trải nghiệm, nhưng việc “vừa đi vừa dò đường” cũng bộc lộ ra nhiều mặt hạn chế, bất cập. 
Du khách thích thú với trải nghiệm tự hái dâu tây tại TP Đà Lạt
Du khách thích thú với trải nghiệm tự hái dâu tây tại TP Đà Lạt

Sức hút mới

Xuất hiện khoảng 10 năm trước, khi du khách đến tham quan rồi mua sản phẩm ngay tại những trang trại rau, củ, quả, vườn hoa. Thời điểm đó, du khách đến với Đà Lạt và bất ngờ bởi một loạt quả bí ngô khổng lồ nặng gần 100kg của gia đình nông hộ Lê Hữu Phan (phường 9, TP Đà Lạt). Từ sự quan tâm của nhiều người, nhà vườn này tiếp tục trồng những cây, quả lạ như cà chua bi, dưa leo baby, rau cải 7 màu… Dần dần nơi đây trở thành điểm đến quen thuộc của du khách. Những năm sau đó, tại Đà Lạt nở rộ các mô hình dâu tây, rau thủy canh, vườn hoa cẩm tú cầu, cánh đồng hoa oải hương… thu hút đối với du khách. Rồi những mô hình tham quan được gắn với tên mỹ miều “du lịch canh nông”.

Trước xu hướng mới, tháng 10-2017, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông” và “Tuyến du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các cơ sở đủ điều kiện công nhận điểm du lịch canh nông khi đạt 24/30 tiêu chí trở lên như: không gian thoáng mát, xanh, sạch, đẹp; có sản phẩm đặc trưng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bán đúng giá niêm yết; ít nhất 2 thuyết minh du lịch được đào tạo; trang bị nông cụ, phương tiện cần thiết cho khách du lịch trải nghiệm... Bộ tiêu chí đưa ra để định hướng sản phẩm này phát triển và cộng đồng cư dân nơi triển khai mô hình được hưởng lợi từ việc phát triển các mô hình du lịch canh nông.

Đến nay, có 33 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được thẩm định và công nhận mô hình “Điểm du lịch canh nông”. Các mô hình này đã từng bước đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng các công trình, tiểu cảnh phục vụ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Chủ các mô hình cũng đã đầu tư tổng vốn khoảng 377 tỷ đồng, diện tích triển khai các mô hình du lịch canh nông hơn 302ha. Trong đó, diện tích khu nhà kính, trưng bày, khu vực ăn uống, nhà vệ sinh, bãi đậu xe… phục vụ nhu cầu tham quan của du khách chiếm khoảng 20,8ha. Tập trung nhiều nhất tại TP Đà Lạt với 23 mô hình. 

“Sức hút của loại hình du lịch mới không ngừng tăng khi từ năm 2018 đến nay, có gần 6 triệu lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch canh nông”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, cho biết. Thu hút lượng khách lớn cũng mang về giá trị kinh tế cao, khi các mô hình du lịch canh nông mang về gần 250 tỷ đồng và nộp ngân sách khoảng 25 tỷ đồng. 

Cần chuyên nghiệp hơn

Tuy có nhiều sự đầu tư từ các hộ nông dân, nhưng phần lớn vẫn phát triển tự phát, khiến loại hình du lịch này chưa phát huy hết tiềm năng. Nhiều mô hình chưa liên kết các sản phẩm, dịch vụ thành quy trình khép kín phục vụ khách tham quan. Trong khi đó, việc bố trí khu vực riêng cho du khách trải nghiệm tìm hiểu quy trình trồng và chế biến sản phẩm không nhiều đơn vị làm tốt, khiến cho sản phẩm du lịch chưa rõ tính đặc trưng và thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành cộng tác để đưa khách đến tham quan.

Ngoài ra, hiện nay các cơ sở đang thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ về hướng dẫn, phục vụ du khách. Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, trong số gần 1.000 lao động của địa phương đang phục vụ tại các điểm mới, có 48 hướng dẫn viên du lịch tại điểm được tập huấn và cấp thẻ hướng dẫn. 

Là người có nhiều năm kinh nghiệm làm nông nghiệp kết hợp du lịch tại TP Đà Lạt, ông Trần Huy Đường, Giám đốc Công ty Langbiang Farm, cho rằng, phần lớn các điểm du lịch canh nông hiện có trên địa bàn Đà Lạt và các huyện lân cận đều dừng ở quy mô nhỏ, thiếu tính đa dạng. Việc đầu tư phát triển mô hình này cũng gặp phải nhiều rào cản, bởi các quy định pháp luật hiện hành.

Theo ông, những hộ gia đình, các trang trại nhỏ hiện đang phát triển tự phát thì phải hướng dẫn họ, để họ đầu tư vào chiều sâu. Phải thành lập các hợp tác xã và có sự liên kết. Nhà nước cần có những cơ chế hỗ trợ như “bà đỡ” cho những trường hợp này. Cũng có quan điểm tương đồng, ông Trọng Nghĩa, Giám đốc Vietravel (chi nhánh tại Đà Lạt), đánh giá du lịch canh nông ở Đà Lạt vẫn chưa rõ ràng, quy mô còn nhỏ lẻ. Đồng thời, để chuyên nghiệp hơn, cần phải kèm theo cả các tiêu chí về an toàn sản phẩm, đảm bảo môi trường khi khách hàng tham gia vào quá trình canh tác, thu hoạch.

Theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng và cần thiết. Khi có du lịch thì giá trị của sản phẩm nông nghiệp sẽ được tăng lên rất nhiều lần. Đà Lạt hiện đã có một số mô hình du lịch tạo dựng được thương hiệu. Nhưng cũng có một số điểm quy mô nhỏ, trùng lặp, tạm bợ gây ảnh hưởng đến chất lượng của du lịch canh nông.

“Để phát triển du lịch canh nông trong thời gian tới tốt hơn, tỉnh sẽ hoàn thiện bộ tiêu chí mới, sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các đơn vị, doanh nghiệp, đại diện các mô hình, hoàn thiện pháp lý, dự kiến ban hành trong quý 1-2021”, ông Phạm S nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục