Tạo sức bật cho thị trường bán lẻ

Năm 2024, thị trường bán lẻ nội địa được nhận định sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp, nhất là với những doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu bởi hoạt động xuất khẩu chưa phục hồi hoàn toàn.

Thị trường nội địa: trụ đỡ của nền kinh tế

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu suy giảm, doanh số bán lẻ tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới như các nước châu Âu đều tăng chậm. Tuy nhiên, thị trường tiêu dùng nội địa vẫn giữ được mức tăng trưởng tích cực, là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

Theo đó, hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, Bộ Công thương ước tính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8%-9%) và đóng góp khoảng 80% vào tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Thực tế, để đạt những kết quả như vậy, xuyên suốt cả năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối trên cả nước đã chủ động, linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp kinh doanh. Phía các nhà sản xuất, ngoài việc đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu khách hàng còn phải cam kết giữ mức giá ổn định, dù nguyên liệu đầu vào tăng cũng phải chấp nhận giảm lợi nhuận để có giá tốt bán ra thị trường.

xhh8a-2672.jpg
Bán lẻ nội địa được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bứt phá trong năm 2024

Về phía doanh nghiệp phân phối, ngoài việc ký hợp đồng ổn định và dài hạn với nhà cung cấp, còn liên tục thực hiện các đợt khuyến mãi, giảm giá luân phiên theo từng nhóm hàng để kéo sức mua. Chẳng hạn như nhà bán lẻ Saigon Co.op, xuyên suốt năm 2023 đã bền bỉ thực hiện chính sách giữ giá cho các mặt hàng kinh doanh trên toàn hệ thống.

Theo chia sẻ từ Saigon Co.op, thời gian qua, một số nhà cung cấp của Saigon Co.op đã gửi đề nghị tăng giá do kinh doanh khó khăn, chi phí đầu vào tăng; tuy nhiên Saigon Co.op vẫn chủ trương chính sách giữ giá, yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh do ảnh hưởng trực tiếp của chi phí đầu vào thì mới xem xét điều chỉnh giá trong biên độ nhất định. Dù vậy, việc điều chỉnh giá sẽ thực hiện trên nguyên tắc chia sẻ lợi nhuận để giữ giá tốt nhất cho người tiêu dùng.

Cần chính sách căn cơ

Những tín hiệu tích cực của thị trường tiêu dùng nội địa trong năm 2023 đã tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp vào sự tăng trưởng của năm 2024. Bởi lẽ năm 2024, nền kinh tế thế giới được nhận định sẽ chưa thể phục hồi và tiêu dùng nội địa được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa, các chuyên gia cho rằng phải có những giải pháp căn cơ, dài hơi.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường. Phân tích cụ thể, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, năm 2023, rất nhiều chính sách tài chính, tài khóa cho doanh nghiệp cũng như giảm thuế VAT cho người tiêu dùng đã được đưa ra nhằm kích cầu kinh tế.

“Những chính sách này khi đưa ra đã góp phần kích thích tăng trưởng bán lẻ, song năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, cần tăng cường chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường”, ông Đức đề xuất. Một điểm quan trọng trong năm 2024 được Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ra đó là phải cải thiện chỉ số niềm tin của người tiêu dùng.

“Giai đoạn 2022-2023, lần đầu tiên chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á, nên sang năm 2024, Nhà nước cần ổn định công ăn việc làm cho người dân để cải thiện chỉ số này”, ông Nguyễn Anh Đức nói. Trong khi đó, theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài chẳng hạn 2 năm, thay vì giảm 6 tháng/ lần theo kiểu “dò đá qua sông”, bởi như vậy sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân do thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu so với mức chi tiêu hiện nay.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 được các doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ nhận định sẽ là cao điểm kinh doanh quan trọng cần thúc đẩy bởi thời điểm này dự báo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao. Do đó, doanh nghiệp ngoài đưa ra sản phẩm mới còn bắt tay phối hợp khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng từ 15% đến trên 50%.

Đặc biệt, tuần lễ sát tết, các doanh nghiệp sẽ dành thêm ưu đãi và giảm giá sâu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu đặc trưng tết, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp sắm sửa đón tết.

Đơn cử, Saigon Co.op sẽ ưu tiên hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp mua hàng giảm giá, tổ chức siêu thị 0 đồng và hơn 200 chuyến bán hàng lưu động đến các khu công nghiệp, khu chế xuất, bán với giá vốn. Ngoài ra, nhà bán lẻ này còn tổ chức khoảng 60 chuyến xe miễn phí giúp người lao động về quê đón tết.

Tin cùng chuyên mục