Tạo thế, lực công cuộc phát triển mới

Điểm nổi bật trong năm 2014 và cả những năm gần đây là tình hình kinh tế - xã hội được cải thiện rõ nét, GDP năm sau tăng cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Có thể nói đoàn tàu kinh tế Việt Nam đã vận hành ổn định và bắt đầu giai đoạn tăng tốc.
Tạo thế, lực công cuộc phát triển mới

Điểm nổi bật trong năm 2014 và cả những năm gần đây là tình hình kinh tế - xã hội được cải thiện rõ nét, GDP năm sau tăng cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Có thể nói đoàn tàu kinh tế Việt Nam đã vận hành ổn định và bắt đầu giai đoạn tăng tốc.

Xác lập nhiều kỷ lục

Tết năm nay đến muộn, nhưng dường như mùa xuân đến sớm hơn cùng với những chỉ số được công bố vào dịp cuối năm: Tiếp tục đà tăng trưởng 2013, GDP năm 2014 tăng ngót nghét 6% (chỉ tiêu 5,8%). Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, chỉ số IIP tăng 7,6% (năm 2013 tăng 5,9%) do tác động việc kéo giảm lãi suất; giảm, ưu đãi thuế; tăng đầu tư công, giải phóng hàng tồn kho... Đặc biệt lạm phát được kiểm soát ở mức thấp kỷ lục (1,84%) so với 14 năm gần đây...

Bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, như EU sa lầy vào vòng suy thoái; xung đột ở Đông Âu, Trung Đông chưa có lối thoát; cuộc chiến chống khủng bố trở nên nóng hơn, kéo an ninh thế giới vào vòng bất định. Tại châu Á, sự tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông, biển Đông căng thẳng và Việt Nam bị tác động mạnh trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước ta. Nhưng việc thực hiện các đột phá chiến lược, các chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng nền hành chính công theo hướng “Nhà nước kiến tạo phát triển” bước đầu đã phát huy tác dụng, nên kinh tế Việt Nam đã vượt qua thử thách, đạt được nhiều tiến bộ đáng ghi nhận.

Xuất khẩu năm 2014 ước đạt 150 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm trước và đạt 103% kế hoạch. Nhập khẩu ước đạt 148 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước và đạt 95,7% kế hoạch cả năm. Do đó, cán cân thương mại năm 2014 thặng dư 2 tỷ USD; đây là mức thặng dư cao nhất trong những năm gần đây. Lượng kiều hối tiếp tục khai thông, năm 2014 ước đạt 12 - 13 tỷ USD, là mức kỷ lục so từ trước đến nay. Môi trường chính trị - xã hội ổn định, tỷ giá không biến động và kiểm soát tốt đã tạo động lực thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam với số vốn giải ngân năm 2014 đạt 12,35 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm trước. Đáng chú ý đối tác đầu tư nước ngoài đã có sự dịch chuyển vào các lĩnh vực mới, như các ngành điện tử, cơ khí, năng lượng, công nghiệp nặng và thiết bị công nghiệp; thể hiện rõ là Hàn Quốc và Nhật Bản, vừa là các quốc gia dẫn đầu về quy mô vốn đầu tư, vừa đưa dòng vốn đi vào các lĩnh vực khuyến khích đầu tư...

Dệt vải xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn. Ảnh: CAO THĂNG

Quyết tâm cải cách

Ngay từ những ngày đầu năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 về những giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; nêu rõ: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2015. Trước đó, vào những ngày cuối cùng năm cũ, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12-2014, khẳng định quyết tâm cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới. Chính phủ sẽ công bố công khai chỉ số cải cách hành chính của các bộ và địa phương ngay trong đầu năm 2015.

Sở dĩ có nhịp điệu gấp gáp đó vì năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng; là năm có nhiều ngày lễ lớn của dân tộc. Nhìn vào việc thực hiện nhiệm vụ các năm qua, nhiều chỉ tiêu còn cách đích kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 khá xa; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, đời sống vật chất và tinh thần người dân chậm được cải thiện. Trên một bình diện khác, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam thứ 68/148 nền kinh tế; Ngân hàng Thế giới (WB) xếp môi trường kinh doanh Việt Nam hạng 78/189 nước. Nghiên cứu của VCCI cho biết, xét về yếu tố thể chế kinh tế, Việt Nam xếp hạng 92 thế giới; đứng thứ 9 trên 10 quốc gia ASEAN. Nhóm về yếu tố sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 87 thế giới; chất lượng giáo dục và đào tạo ở vị trí 96; mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới xếp hạng 99...

Chưa bao giờ vấn đề cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được bàn luận nhiều như năm qua. Tại một cuộc hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bức xúc, nêu một thực tế: Sau gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, cái gì cũng khá lên như tiềm lực của đất nước có tăng lên, thể chế cũng đã khá lên... nhưng tụt hậu vẫn hoàn tụt hậu. Nguyên Phó Thủ tướng phân tích: Nội lực về kinh tế và tăng trưởng nước ta chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí có thể nói là đang tụt hậu so với thế giới; thể chế kinh tế không theo kịp hội nhập quốc tế, vẫn còn lạc hậu; các lợi ích quốc gia thu được từ tiến trình hội nhập chưa tương xứng với tiềm năng đất nước...

Nâng cao vị thế đất nước

2015 là năm hình thành cộng đồng chung ASEAN, Việt Nam thực hiện lộ trình cam kết AFTA, mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA)... Kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt hơn trước, sẽ không còn đường lùi nếu ta không tự cải cách, chỉnh đốn lại chính mình để đón nhận các vận hội mới.

Yếu kém của nền kinh tế đã được nhìn nhận khá rõ, nêu tại báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm: Tái cơ cấu kinh tế vẫn còn chậm. Năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ đổi mới công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chưa đạt mục tiêu đề ra. Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm, hiệu quả kinh doanh còn thấp... Đây có thể gọi là những thách thức lớn. Và chỉ khi nào vượt qua những cản ngại ấy mới có thể đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, cải thiện căn cơ đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

 Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2015

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,2%.

- Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%.

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 30% -32% GDP.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% - 2%.
- Tạo việc làm khoảng 1,6 triệu lao động...

 

Nhân dịp chào năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã phân tích bối cảnh toàn cầu hóa tác động đến mọi quốc gia với các nguy cơ ẩn họa khó lường, nêu nhận định: “Tụt hậu là bị toàn cầu hóa lướt qua, nhấn chìm, tất yếu khó tránh khỏi rơi vào lệ thuộc, trở thành “sân sau” của người khác, sẽ không thể nào cải thiện, nâng cao được đời sống của nhân dân. “Thực túc, binh cường”, nếu tụt hậu thì khó có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền của đất nước, khó có thể có được chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, huống chi là vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Phát triển bền vững, thu hẹp trình độ phát triển với các nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh là mệnh lệnh trọng yếu, cấp bách đặt ra trong năm mới 2015. Vì vậy, tháo gỡ triệt để những cản ngại, ách tắc; khắc phục những hạn chế, yếu kém; kiến tạo thế và lực cho công cuộc phát triển mới để phục hồi đà tăng trưởng, nâng cao tiềm lực kinh tế đất nước là việc hệ trọng, không còn đường lùi. Có thể nói năm 2014 đã khai sáng nền tảng nhận thức mới, quyết liệt cải cách thể chế bằng việc sửa đổi các đạo luật kinh tế quan trọng (đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, thuế...), tạo dựng sự ổn định vĩ mô; năm 2015 hứa hẹn triển vọng bứt phá rõ ràng hơn để nâng tầm chất lượng mới, trình độ mới, vị thế mới trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục