Triển lãm “Những nẻo đường tuổi thơ”

Tạo thêm nhịp cầu nhân ái

(*)
Tạo thêm nhịp cầu nhân ái

Sáng nay (25-5), cuộc triển lãm “Những nẻo đường tuổi thơ” (*) của hai nghệ sĩ trẻ Trần Thế Phong và Ly Hoàng Ly đã được báo Yêu Trẻ và Hội Nhiếp ảnh TPHCM tổ chức khai mạc tại Nhà triển lãm Thành phố - 92  Lê Thánh Tôn, quận 1.

Tạo thêm nhịp cầu nhân ái ảnh 1

“Tuổi thơ vùng biển”, tác phẩm của Thế Phong.

Tám năm làm việc tại báo Yêu Trẻ, Thế Phong đã có dịp hòa nhập vào cuộc sống của trẻ em nghèo lang thang ở phố chợ và nhờ rong ruổi “lên rừng, xuống biển”, anh còn bắt gặp biết bao hình ảnh của trẻ em lao động vùng biển, vùng cao… Trong con mắt của một nhà báo xuất thân từ trẻ em mồ côi, sự cảm thông trước bao cảnh đời khó khăn, số phận bất hạnh của trẻ càng có ý nghĩa sâu xa qua từng khoảnh khắc ghi nhận của anh.

Ở đâu đó trong lòng thành phố, nhiều khu trung tâm nhộn nhịp, nhiều nhà hàng, quán bar, khu cao ốc sang trọng thời đô thị hóa mọc lên, Thế Phong đã thấy thấp thoáng bóng dáng của trẻ em đường phố xuất hiện. Trẻ em nghèo mưu sinh bằng nghề đánh giày, bán vé số, phụ chân rửa chén bát cho một tiệm phở, một xe mì gõ.

Có dõi theo bước chân trẻ, người ta mới biết chúng đi đâu, về đâu và dẫu có nhiều ngôi nhà mở, nhiều mái ấm tình thương vẫn chưa phải là giải pháp tốt nhất của những tấm lòng từ thiện. Nổi bật nhất trong 9 nhóm đề tài trưng bày là bộ ảnh Trẻ em trên bãi rác Đông Thạnh. Tác phẩm này đã từng góp phần tích cực vào việc tuyên truyền theo chỉ đạo của UBND TP để thực hiện chủ trương đóng cửa bãi rác và tổ chức cho trẻ hồi gia.

- … tôi hướng ống kính về tuổi thơ bằng trái tim, cảm xúc của chính mình. Tôi muốn hòa nhập vào trẻ thơ với góc nhìn hiện thực…”, lời bày tỏ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thế Phong như cách cắt nghĩa bao quát cho cuộc triển lãm ảnh của anh.

Chính từ những góc ảnh đầy tính hiện thực và đầy lòng trắc ẩn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thế Phong đã “lây lan” cảm xúc đến họa sĩ Ly Hoàng Ly. Ý tưởng mang tính tương tác của nghệ thuật sắp đặt thôi thúc người ta sáng tác, Ly Hoàng Ly tâm sự chị đã day dứt trước những hình ảnh đầy ý nghĩa đối nghịch: rác và miếng ăn; sự bẩn thỉu ô nhiễm, nghèo khổ và sự sạch sẽ tinh tươm, khá giả… Trong cách thể hiện tác phẩm nghệ thuật sắp đặt để người xem đi qua, đi lại vứt rác giữa bàn ăn dù vô tình hay cố ý đều có ý nghĩa tương tác dành cho người sáng tác và mặt khác nó tiếp tục tương tác đến suy nghĩ người thưởng ngoạn. Nếu Rác là đề tài dành cho trẻ em nghèo thành phố thì Nước là đề tài mô tả sự khao khát của trẻ em vùng đất khô hạn quanh năm và Mây là đề tài hướng đến trẻ khuyết tật…

Tất cả ý niệm sáng tác đều hướng đến tình thương và kêu gọi sự cảm thông. Theo các tác giả, hiệu quả của triển lãm thật có ý nghĩa nếu nó đã làm “nhói đau” được trái tim của người thưởng ngoạn và sâu xa hơn là bắc được nhịp cầu chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng dành cho trẻ em trên những nẻo đường mưu sinh. Đó cũng là sự góp phần tạo nên ý nghĩa thiết thực của tháng Hành động Vì trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6.

(*) Triển lãm kết thúc ngày 1-6. Tiền bán tác phẩm trưng bày sẽ trích 50% gây quỹ từ thiện, giúp trẻ em nghèo, bất hạnh.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục