Đoàn doanh nghiệp Việt Nam khảo sát thị trường Liên bang Nga

Tất cả đã sẵn sàng

* Chuyến khảo sát do Báo SGGP phối hợp với các đơn vị tổ chức

* Chuyến khảo sát do Báo SGGP phối hợp với các đơn vị tổ chức

Đúng như kế hoạch của Ban tổ chức (BTC), chương trình Khảo sát thị trường LB Nga do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Đại sứ quán VN tại LB Nga, Hội DN Việt Nam tại LB Nga, Trung tâm Thương mại Mekong Emeral và Công ty Truyền thông Quốc tế tổ chức, chiều nay, lúc 15 giờ 25 13-8 đoàn gồm 25 DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực: may mặc, cơ khí chế tạo, nông sản thực phẩm, da giày, thủy sản… sẽ lên đường sang Moscow.

Xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao tại Liên bang Nga

Ông Nguyễn Xuân Hàn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) cho biết: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào thị trường Nga – một thị trường cực kỳ rộng lớn với kim ngạch xuất khẩu hàng trăm tỷ USD, nhưng từ lâu chúng ta bỏ ngỏ. Chúng tôi rất cảm kích khi Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đứng ra tổ chức, tạo điều kiện cho chúng tôi gặp gỡ, giao lưu với các DN Nga tại Việt Nam và các đối tác Nga có nhu cầu hợp tác với DN Việt Nam. Dịp này, chúng tôi cũng giới thiệu một số sản phẩm của công ty như: tiêu, điều, cà phê… với mong muốn liên doanh hợp tác với các DN Nga, kể cả xây dựng một xí nghiệp mang thương hiệu của Maseco tại Moscow. Để làm được điều này không phải là dễ, nhưng chúng tôi muốn xây dựng thương hiệu made in Việt Nam tại Nga”.

Với ông Nguyễn Đình Trương - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Việt Tiến thì từ lâu, thương hiệu Việt Tiến ở thị trường Nga được rất nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Bình quân giá áo của Việt Tiến bán tại thị trường Nga hơn 100 USD/cái. Kỳ này, Việt Tiến sẽ mang một số sản phẩm cao cấp đặc biệt trưng bày tại buổi tọa đàm diễn ra vào ngày 16-8 tại Trung tâm Thương mại Emeral.

Ông Phùng Quốc Mẫn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sài Gòn cho rằng: Hàng thủy sản của Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn khi vào thị trường Nga. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi nản chí. Có thể hôm nay, ngày mai hoặc năm sau hoặc 5 năm nữa, sản phẩm của chúng tôi mới có vị thế tại thị trường Nga. Chúng tôi tin tưởng vào sản phẩm chất lượng của mình. Đi khảo sát là để xem thị hiếu người tiêu dùng, chúng ta sản xuất sản phẩm thì phải tìm hiểu người tiêu dùng cần gì ở chúng ta.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt - Nga Nguyễn Văn Phẩm cho biết: Lâu nay, một số DN còn băn khoăn trong vấn đề thanh toán. Hiện nay chúng tôi đã có ngân hàng Việt - Nga tại Moscow và Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các DN trong việc thanh toán có hiệu quả. Ngoài ra, các hệ thống ngân hàng của Nga đang phát triển rất mạnh, có khả năng thanh toán với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Tổng Biên tập Báo SGGP Dương Trọng Dật – Trưởng ban tổ chức cho biết: Trong nhiều năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các DN, tổ chức nhiều chương trình, các buổi hội thảo, tọa đàm như “Doanh nghiệp Xanh”; “Hành trình về Điện Biên”; “DN trong tiến trình hội nhập”... Trong chương trình này chúng tôi đánh giá cao những cố gắng của các DN. Đây chính là cách nhìn mới, tư duy mới không chỉ với thị trường Nga mà với tất cả các nước trên thế giới. Nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập.

Nhằm ủng hộ BTC, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã có công văn về Lãnh sự quán Nga tại Việt Nam. Theo đó, Visa cấp cho DN chỉ trong 1 giờ, thay vì phải làm 1 tuần. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ủng hộ miễn phí mỗi DN 10kg hàng hóa, nâng mức hàng hóa của mỗi DN đạt 40kg. Đồng thời nâng mức vé từ hạng H (vé đoàn) lên hạng C (vé hạng VIP) cho một số cán bộ cùng tham gia chương trình. Tổng Công ty May Việt Tiến đã ủng hộ BTC sản phẩm áo sơ mi cao cấp hiệu Việt Tiến, làm quà tặng tại Moscow.

Theo kế hoạch đoàn sẽ lên đường vào ngày 13-8 và kết thúc vào ngày 20-8-2007. Trong khuôn khổ chương trình chuyến khảo sát 7 ngày, các DN Việt Nam sẽ có buổi giao lưu, gặp gỡ các DN Nga và cộng đồng DN Nga tại Moscow; thăm Trung tâm Thương mại Mêkông Emeral và một số xưởng sản xuất tại Nga. 

LƯƠNG BÍCH NGỌC

Tin cùng chuyên mục