Bồi lấp cửa sông Đà Rằng

Tàu cá “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Tàu cá “nội bất xuất, ngoại bất nhập”

Sông Ba bắt nguồn từ Tây Nguyên chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên rồi đổ ra biển Đông theo cửa Đà Rằng (TP Tuy Hòa). Nhưng...

  • Sóng xô cát bồi

Sống dựa vào nghề biển là chính nhưng những ngày vừa qua, nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ của bà con ngư dân các làng cá Đông Tác (phường Phú Lâm), Phú Câu (phường 6, TP Tuy Hòa) không thể ra khơi vì cửa sông bị cát bồi lấp.

Tàu cá “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ảnh 1

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ bị kẹt “giữa hai làn nước”.

Ông Phạm Ượt, Lạch phó lạch Phú Câu (72 tuổi), một trong những lão ngư lớn tuổi nhất, nhì làng cá Phú Câu ngày nào cũng ra cửa sông để coi con nước lên xuống và không ngớt thở dài khi thấy cửa sông ngày càng cạn và hẹp dần.

Ông cho biết, bình thường nếu từ bờ này muốn sang bờ bên kia phải dùng thuyền, thúng thì nay trẻ em cũng có thể lội bộ qua lại.

Theo ông Ượt, đây không phải là lần đầu cửa Đà Rằng bị cát bồi lấp. Như đã thành quy luật, cứ năm nào không có lụt lớn là dễ bị bồi lấp. Lần này, do nhiều năm liền không có trận lụt nào nên cát tích trữ, “nằm chờ” nhiều ở gần cửa sông. Gặp thời tiết diễn biến bất thường, gió bấc, biển động, sóng to đẩy cát ngược lên, trong khi nước từ thượng nguồn đổ về không đủ “lực” đẩy cát trở ra biển nên đùn lại ở cửa sông.

  • Ngư dân bó gối... chờ

Do cửa sông bị cát bồi lấp nhanh nên hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân bị mắc kẹt bên trong bến không thể ra khơi. Hàng chục chiếc tàu đánh bắt xa bờ khác tranh thủ lúc thủy triều lên, tìm mọi cách vượt “giang môn” nhưng không thể, đành bất lực quay trở vào tiếp tục nằm chờ. Anh Trần Văn Giác chủ tàu PY 90333 TS nói như than: “Khó khăn lắm tôi mới tìm đủ bạn và lo được phí tổn ban đầu. Ai ngờ khi chuẩn bị khởi hành kiếm tiền ăn Tết thì cửa sông bị lấp, tàu không ra cửa được”.

Tàu thuyền bị mắc kẹt bên trong thì như vậy. Riêng những tàu thuyền đi đánh bắt trở về cũng không thể vào cửa vì…nặng hơn. Để xuống cá và “giải phóng” con người (bạn), các tàu này chạy ngược ra cảng Tiên Châu (Tuy An) hoặc phải vào Vũng Rô (Đông Hòa) thêm hàng chục hải lý, tốn thêm nhiên liệu và phát sinh thêm chi phí bến bãi, thuê mướn nhân công bốc vác... Trong khi giá bán lại rẻ hơn. Thay vì có lãi, nhiều tàu đành chấp nhận huề hoặc lỗ vốn.

  • Chờ đến khi nào?

Ông Phan Khánh, Trưởng phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, cho biết hiện thành phố vẫn chưa có kế hoạch nạo vét, khai thông cửa sông Đà Rằng. Trước mắt, Phòng kinh tế đã đề nghị các ban lạch của phường 6, phường 4 và phường Phú Lâm thành lập các trạm hoa tiêu, phân công những người có kinh nghiệm, thông thạo luồng lạch hướng dẫn tàu thuyền có công suất lớn ra vào từng chiếc một.

Tuy nhiên, nhiều lão ngư từng trải và dày dạn kinh nghiệm ở cửa sông này thì giải pháp đó không khả thi. Theo anh Trần Văn Giác, cách nhanh nhất là nên dùng thuốc nổ để mở cửa sông. Còn theo ông Phạm Ượt, để cửa Đà Rằng hàng năm không bị bồi lấp, các ngành chức năng sớm có kế hoạch chỉnh trị dòng chảy con sông. Còn trước mắt, nên huy động máy bơm hút cát, tạm thời khai thông luồng lạch cho tàu thuyền ra vào. 

TRẦN LÊ VĂN

Tin cùng chuyên mục