Tàu hỏa Bắc - Nam: Sống nhờ “làm luật”

Tàu hỏa Bắc - Nam: Sống nhờ “làm luật”

“Lấy của chú 1 triệu đồng, cháu có ăn hết một mình đâu. Mà chú làm nghề gì cho cháu xem giấy tờ. Nếu là nhà báo cháu không cho đi đâu đấy, sợ lắm, cháu còn vợ và 2 con nhỏ ở nhà…”. Một nhân viên ngành đường sắt vừa phân bua, vừa xét hỏi chúng tôi khi bước lên chuyến tàu hỏa Bắc - Nam trong vai một người “đi lụi”.

        Làm luật để “cải thiện đời sống”

Đưa giấy CMND ra cho nhân viên phụ trách toa xem, tôi một mực nói chỉ là khách đi tàu, vừa ra tới ga thì hết vé nên mua vé tiễn vào ga, lên tàu xin “làm luật”. “Chú cho xem máy điện thoại”, nhân viên vừa nói đã chộp lấy điện thoại tôi đang cầm trên tay lật mở xem có lưu giữ hình ảnh gì liên quan đến nghề báo. “Được, chú cứ vào toa đứng chờ”. Nói rồi, người nhân viên ra đầu toa đóng cửa, cũng vừa lúc tiếng còi tàu hú vang báo hiệu rời sân ga Hà Nội bắt đầu hành trình Bắc - Nam trên tuyến đường sắt xuyên Việt.

Một lần khác tại ga Nam Định, đến quầy vé trước giờ tàu chạy, mọi người bất ngờ nhận được thông báo hết vé. “Anh có đi toa nhân viên để tôi bố trí?”, một nhân viên bán vé gợi ý. “Được, giá bao nhiêu?”, tôi hỏi. “Giường nằm, một triệu hai về đến ga Sài Gòn. Đến nơi mới lấy tiền”. Tôi chấp nhận ngay vì không còn cách nào khác. Một lúc sau, một phụ nữ ẵm trên tay đứa bé hơn 1 tuổi đến bên tôi nói: “Bác đi theo em ra tàu”. Đợi cho tàu dừng hẳn và giao cho một nhân viên trên tàu xuống đưa tôi lên toa, người phụ nữ mới hết “nhiệm vụ”, tất tả quay ra ga.

Người dân phải trả gần 1 triệu đồng cho một chiếc vé tàu trên hành trình Bắc - Nam và phải ngồi chịu trận như vậy trong hơn 40 giờ.

Người dân phải trả gần 1 triệu đồng cho một chiếc vé tàu trên hành trình Bắc - Nam và phải ngồi chịu trận như vậy trong hơn 40 giờ.

Đó là hai câu chuyện mà người viết - nhân vật chính đã bước lên trên các chuyến tàu Thống Nhất khởi hành từ các ga phía Bắc. Lên tàu, chúng tôi còn chứng kiến cảnh “cò kè bớt một thêm hai” của nhân viên các toa ra giá bán chỗ cho những hành khách vì nhiều lý do không mua được vé, phải “làm luật”, hoặc lên tàu bằng vé ngồi rồi mua lại chỗ ngả lưng “tiêu chuẩn” của nhà tàu. “Không làm thế không sống nổi chú ơi”, một nhân viên đã nói với chúng tôi như thế và đưa cho xem tin nhắn trên điện thoại có nội dung báo nhận được tiền lương chuyến trước là 500.000 đồng. “Đấy, mỗi chuyến chỉ có thế, trưởng tàu thì được 800.000 đồng. Một tháng đi được 3, 4 chuyến, vị chi tổng thu nhập chỉ trên dưới 2 triệu đồng”. Để tự cứu mình, nhân viên trên các chuyến tàu Bắc - Nam có vô vàn kiểu làm tiền hành khách đi tàu, nào là đòi cước hàng hóa, đổi chỗ ngồi sang giường nằm, bán vé đoạn đường ngắn cho khách đi hành trình dài… Chưa kể, các kiểu “chặt chém” khách đi tàu với suất ăn, chai nước, bát phở… đều có giá gấp rưỡi đến gấp đôi so với dưới đất. Một hộp cơm với vài đũa bắp cải luộc úa vàng, vài miếng thịt kho, hộp canh loe hoe vài cọng rau có giá 40.000 đến 45.000 đồng. Cơm nguội lạnh, vón cục không sao nuốt nổi. Vệ sinh trên các đoàn tàu thì khỏi nói, chỉ được vài giờ đầu hành trình là sạch, còn lại phần lớn thời gian trên tàu, hành khách phải chịu đựng cảnh rác, nước thải đổ tràn các lối đi, mùi xú uế nhà vệ sinh ở đầu các toa bốc mùi hôi thối. Vào đợt cao điểm khách đông, một chỗ ngay cửa ra vào buồng vệ sinh cũng có đến 4, 5 người đứng ngồi chịu trận cho đến hết hành trình kéo dài hàng chục giờ.

        Đi tàu hỏa bằng giá vé máy bay

Nhiều khách đi tàu có nhận xét: “Tàu hỏa có phần ưu điểm hơn các phương tiện khác ở độ an toàn và giờ chạy thường rất đúng giờ…”. Thế nhưng, có một thực tế là mỗi năm, ngành đường sắt đã cướp đi sinh mạng của gần 300 con người do các vụ tai nạn dưới đất và cả trên tàu. Còn giờ tàu chạy ở hai đầu hành trình tuy không bao giờ chậm đến 5 giây, nhưng giờ đến tại các ga có đúng giờ lắm là chậm 15, 20 phút, còn lại là cả giờ, thậm chí vài giờ.

Giá vé tàu cho hành trình Bắc - Nam (Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại) thấp nhất cho loại ghế ngồi không điều hòa là 817.000 đồng, cao có loại vé giường nằm lên tới gần 2 triệu đồng. Để đi trên hành trình dài 1.726km từ Hà Nội vào Sài Gòn và ngược lại, thời gian nhanh nhất trên loại tàu đặc biệt (SE3, SE4) là 29 giờ 30 phút, chậm nhất là tàu TN1, TN2 với hơn 42 giờ. Dù biết giá vé cộng với ăn uống trên tàu còn cao hơn giá vé máy bay của các hãng hàng không, mất nhiều thời gian, dịch vụ thấp kém, thái độ phục vụ của nhân viên trên tàu không mấy thân thiện, nhưng người dân không có sự lựa chọn nào khác.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng bằng vé của hãng hàng không giá rẻ để tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Điều đó là rất cần thiết, nhưng xin bộ trưởng hãy cải trang là người dân bình thường bước lên trên các đoàn tàu Thống Nhất Bắc - Nam mà không báo trước và cũng không cho ai biết để chứng kiến và đối chiếu với những gì mà chúng tôi đề cập đến trong bài viết này và cũng để thấu hiểu nỗi khổ của người dân đi tàu và những khó khăn của đội ngũ nhân viên phục vụ trên các đoàn tàu ra sao. Điều này còn rất có giá trị đối với bộ trưởng khi nhìn nhận một cách xác thực nhất (không phải qua các báo cáo) của ngành đường sắt hiện nay, để có cơ sở thẩm định, đánh giá vào bản báo cáo cuối kỳ quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam mà các cơ quan chức năng đang xem xét, trình phê duyệt trong nay mai.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục