
Ngành đường sắt Việt Nam đang nỗ lực cải thiện mọi điều kiện để tiếp tục rút ngắn hành trình tàu Thống Nhất Bắc – Nam từ 30 giờ xuống còn 28 giờ trong đầu năm tới. Thế nhưng, thực tế lại không hẳn như vậy.
- Càng nỗ lực, càng...chạy chậm

Bắt đầu năm 2004, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào kế hoạch một mục tiêu quan trọng: quyết tâm nâng tỉ lệ tàu đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 85% - tăng 20% so với năm 2003. Không những thế, ngành đường sắt còn vạch ra lộ trình: tiếp tục giảm giờ tàu chạy hành trình Hà Nội – TPHCM từ 30 giờ xuống chỉ còn 28 tiếng. Thế nhưng theo báo cáo của Thanh tra giao thông đường sắt, thực tế lại đảo ngược. Ngay khi bước vào tháng đầu tiên của năm 2004, tỉ lệ tàu Thống Nhất đến đúng giờ chỉ đạt 46%. Tháng tiếp theo, tiếp tục tụt xuống còn 36%. Qua tháng 3-2004, tỉ lệ này nhích lên được 37% và bước sang tháng 4-2004 tăng lên được bằng với tháng…1!
Theo tính toán của các chuyên gia đường sắt, chỉ riêng quý 1-2004 đã có 540 trong khoảng 900 chuyến tàu Thống Nhất đến ga chậm so với quy định. Ngay như tàu E1 – tàu “xịn” nhất hiện nay, hành trình Hà Nội – TPHCM, tỉ lệ đến ga đúng giờ cũng chỉ đạt 59,34%; còn tàu E2 – hành trình TPHCM – Hà Nội, còn tệ hơn, chỉ đạt 36,26%. Trước tình trạng tàu đến ga chậm so với hành trình, đầu tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phải tổ chức họp chấn chỉnh. Kết quả, trong 20 ngày đầu tháng 5, tỉ lệ tàu Thống Nhất đến đúng giờ tăng lên được 65,83%.
- Kế hoạch 28 giờ: phá sản
Theo đánh giá của Thanh tra giao thông đường sắt, có nhiều nguyên nhân khiến hành trình tàu Thống Nhất đến ga trễ giờ. Trong đó, nguyên nhân khách quan chiếm 15-17% (các phương tiện giao thông vi phạm luật giao thông, do thời tiết); chủ quan chiếm 13-15% (do nhân viên hoặc thiết bị kỹ thuật của ngành đường sắt không đảm bảo); do tốc độ đầu máy không tương xứng chiếm 9-10%; do thi công sửa chữa cầu đường chiếm 25-30% và 30-35% còn lại do biểu đồ chạy tàu bị phá vỡ (bị động về thời gian nhường đường, chờ tránh tàu).
Còn nhớ, từ những năm 1990, để nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ hành khách, ngành đường sắt đã ban hành quy chế bồi thường thiệt hại cho hành khách nếu tàu đến ga chậm so với quy định. Cụ thể, nếu tàu về chậm 5% thời gian của hành trình do nguyên nhân chủ quan thì ngành đường sắt phải trả lại cho hành khách 10% giá trị vé; nếu chậm quá 5% thì phải trả lại cho hành khách 12% giá trị vé tại ga cuối cùng của hành trình.
Thế nhưng, từ khi quy chế này có hiệu lực đến nay, đã có quá nhiều chuyến tàu đến ga chậm so với hành trình, nhưng chưa có hành khách nào được đền bù thiệt hại. Thậm chí, theo phản ánh của nhiều người, ngành đường sắt còn “quên” luôn cả lời xin lỗi về những gì mình gây ra cho “thượng đế”.
Công bằng mà nói, trong thời gian qua, ngành đường sắt đã rất nỗ lực cải thiện năng lực vận chuyển bằng nhiều biện pháp: sửa chữa, xây dựng hệ thống cầu, đường, thay đầu máy mới… Ngành đang chuẩn bị tiếp nhận thêm 20 đầu máy mới mua của Trung Quốc, đồng thời đã chỉ đạo hoàn thành nhanh 300 toa xe đóng mới để đưa vào sử dụng thay thế xe cũ trong tháng 10 tới, chuẩn bị cho việc giảm hành trình tàu Bắc – Nam xuống còn 28 giờ. Thế nhưng, nếu những nguyên nhân mà cơ quan thanh tra giao thông đường sắt đã nêu ra không được khắc phục triệt để, chắc chắn nỗ lực của ngành đường sắt mãi mãi chỉ là… nỗ lực!
PHẠM TRƯỜNG