Tây làm phim ta

Số lượng các đạo diễn nước ngoài sinh sống, làm phim và có phim ra rạp tại Việt Nam chưa nhiều. Tuy nhiên, nhà làm phim nước ngoài tham gia các công đoạn sản xuất khác nhau hiện không còn quá xa lạ.  
Cảnh trong phim Đêm tối rực rỡ
Cảnh trong phim Đêm tối rực rỡ

Ra rạp từ ngày 8-4, Đêm tối rực rỡ là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn người Mỹ - Aaron Toronto. 16 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam, anh không chỉ có bề dày về kinh nghiệm về điện ảnh, góp mặt trong nhiều dự án đình đám như: Em chưa 18, Để mai tính, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Tèo em, Thanh sói… mà còn là một người vừa thấu hiểu vừa say mê văn hóa Việt Nam. Bộ phim nhận nhiều lời khen, được đánh giá cao về sự tỉ mỉ, tinh tế khi khai thác và thể hiện yếu tố văn hóa Việt. Tới đây, điện ảnh Việt cũng chào đón một tác phẩm của đạo diễn người Brazil Mauricio Osaki - Chiếc xe tải của bố (My Father’s Truck). Để hoàn thành, anh mất 4 năm ở Việt Nam để phát triển kịch bản từ phim ngắn cùng tên và quay phim. Phim sẽ tranh giải hạng mục Thế hệ (Generations) tại LHP Berlin 2022.  

Khi thị trường điện ảnh Việt phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, thành phần đoàn phim không còn quá lạ lẫm với những cái tên nước ngoài. Họ có thể được giao các vai chính như trường hợp của Roger Yuan (Lửa Phật), Gary Daniels (Quyên), Jean Michel Rinaud (Cô hầu gái), Han Jae Suk (Kẻ thứ ba)… Các nhân sự đứng sau máy quay còn nhiều hơn. Christopher Wong được coi là “phù thủy nhạc phim” của nhiều phim Việt đình đám: Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Dòng máu anh hùng, Chuyện tình xa xứ… Desmoulins Franck phụ trách âm thanh trong Chơi vơi, Bi ơi đừng sợ, Cha và con và..., Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Hương ga, Gái già lắm chiêu, Ma dai… Và rất nhiều nhân sự nước ngoài tham gia vị trí đạo diễn hình ảnh, quay phim, dựng phim, kỹ xảo…  

Việc nhà làm phim nước ngoài ngày càng tham gia nhiều hơn trong ê kíp sản xuất phim tại Việt Nam là xu hướng tất yếu. Nó cho thấy tính giao lưu và hợp tác trong sản xuất phim ngày càng rộng mở, kết nối xuyên biên giới. Đây cũng là nhu cầu tự thân của thị trường. Khi nhân sự trong nước chưa đáp ứng nhu cầu của nhà sản xuất, việc lựa chọn nhà làm phim nước ngoài với lợi thế được đào tạo bài bản, kinh nghiệm thực tế có nhiều thuận lợi. Họ đã và đang góp phần mang đến làn gió mới, nâng chất cho phim Việt. 

Trong tương lai, điện ảnh Việt chắc chắn sẽ còn chào đón nhiều đạo diễn, nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt khi các chính sách về hợp tác làm phim được mở rộng trong Luật Điện ảnh (sửa đổi). Điều này chắn chắn góp phần làm phong phú thêm cho thị trường điện ảnh nước nhà. Đây cũng là con đường nhanh nhất học hỏi sự chuyên nghiệp từ các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới - bài toán đã giúp nhiều nền điện ảnh trong khu vực thành công.

Tin cùng chuyên mục