Chiếc máy quay phim của một thợ lặn đã được tìm thấy nhờ một con rùa biển sau hành trình 1.100 dặm (1.770km) vượt đại dương.
- “Sốt” với phim do... rùa quay
Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi đoạn phim độc đáo của “tay máy” chú rùa biển được đưa lên mạng chia sẻ video YouTube, đã có hơn 460.000 lượt truy cập. Sau khi có bài báo đưa tin, số truy cập xem đoạn phim này đã tăng lên hơn 700.000 lượt. (www.youtube.com/watch?v=E43sg-Ytt58&feature=player_embedded)
Đoạn video của “tay máy” rùa có tiếng vỗ ì oạp khi máy quay va chạm vào mọi vật xung quanh, thỉnh thoảng trong khung hình hiện ra mặt nước lấp lóa, cùng chiếc mai rùa với nhiều ô lục giác, có lúc là một bên thân rùa với 2 chân đang bơi. Trong đoạn phim cũng xuất hiện sợi dây màu vàng là dây đeo của máy quay vắt ngang thân rùa...
Có vẻ chú rùa biển này đang đói và đã nhầm chiếc máy quay là một miếng mồi ngon trên đường kiếm ăn. Có thể chiếc máy vô tình được bật trong lúc chú rùa cố gắng tống khứ nó khỏi cơ thể mình sau khi nó bị vướng vào sợi dây đeo máy. Nhờ đó máy đã ghi lại hình ảnh đại dương ở những nơi rùa bơi qua.
Trong máy còn những tấm ảnh được chủ nhân chụp trước đó 6 tháng, gồm ảnh chụp 2 người đàn ông chuẩn bị lặn với trang phục lặn cùng bình khí nén, một người là chủ nhân chiếc máy.
Chiếc máy quay bị mất là của Dick de Bruin, một thợ lặn, trung sĩ Hải quân Hoàng gia Hà Lan. Chiếc máy quay thất lạc có hành trình 1.770km từ vùng biển Caribean trở về với chủ nhân một phần nhờ có sự giúp đỡ đáng kinh ngạc của chú rùa biển này.
- Hành trình tìm chủ nhân máy quay
Chiếc máy quay này đã “đoàn tụ” cùng chủ nhân sau một số công việc trinh thám ấn tượng của một lính biên phòng Florida (Mỹ) là Paul Shultz, người đã phát hiện máy giữa những hòn đá tại một bến du thuyền ở Key West hôm 16-5. Shultz đã lội xuống nước để nhìn gần hơn và vớt lên chiếc máy quay hiệu Nikon nhỏ gọn, được bọc vỏ nhựa chống nước nên vẫn nguyên vẹn, hoạt động bình thường sau 6 tháng “dầm mình” trong nước biển với điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên, manh mối để lần ra chủ nhân của nó thật mong manh vì “không có gì trong những bức ảnh cho thấy ai là chủ máy quay này”, Shultz cho biết.
Shultz đã tải lên mạng trực tuyến Scubaboard.com những hình ảnh lưu trong máy quay với dòng chữ phía dưới màn hình “Aquahound”, hy vọng những người thích lặn có thể giúp xác định những nơi được chụp trong các tấm ảnh.
Trong vài ngày, có người đã xác định một địa điểm là Aruba, một hòn đảo của Hà Lan ở ngoài khơi Venezuela, cách Key West khoảng 1.770km. Sau đó, Shultz đã đăng những tấm ảnh này lên các trang web du lịch CruiseCritic.com và Aruba.com. Chỉ 2 ngày sau, một phụ nữ ở Aruba cho biết bà đã nhận ra những đứa trẻ trong một số tấm ảnh là bạn cùng lớp với con trai mình. Bà liên lạc với gia đình trung sĩ Bruin và Bruin cho biết: “Tôi đã cười phát điên khi nghe tin này”.
Bruin đóng quân và sống cùng gia đình tại Aruba được 3 năm, đã làm mất chiếc máy quay này trong lúc thăm dò xác chiến hạm USS Powell của Mỹ ở ngoài khơi Aruba. Bruin thật bất ngờ và vui mừng khi 6 tháng sau được nhận lại nguyên vẹn chiếc máy quay, đặc biệt là có thêm món quà độc nhất vô nhị là đoạn video quay cảnh đại dương của “tay máy” rùa biển đã bơi từ Aruba đến Mỹ
TRÂN NGUYÊN
(Theo DM, Reuters)