
Đầu thế kỷ 20, thế giới có khoảng 500.000 con tê giác, đến 2013 con số này chỉ còn 28.000 con. 95% số lượng tê giác thế giới bị giết hại chỉ trong 40 năm qua. Tốc độ giết hại tê giác tăng lên với cấp số nhân. Nếu không có hành động cụ thể, tê giác có thể tuyệt chủng trong thời gian tới.
Việt Nam bị tai tiếng
Tháng 4-2010, sự kiện con tê giác cuối cùng ở Việt Nam bị bắn chết để lấy sừng ở Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, đã tốn bao giấy mực báo đài trong, ngoài nước. Những tưởng khép lại chương buồn về sự nhẫn tâm của con người khiến loại động vật quý hiếm này biến mất khỏi thiên nhiên Việt Nam. Nhưng từ đó đến nay, việc săn bắt trái phép tê giác để lấy sừng đã vượt ra khỏi tầm quốc gia, khi những nhóm tội phạm trong và ngoài nước liên kết đến tận châu Phi để tìm cách mua bán, vận chuyển sừng tê giác về Việt Nam tiêu thụ.
Tại buổi tọa đàm “Vai trò truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế về vấn nạn sừng tê giác” do Trung tâm CHANGE, Tổ chức WildAid (Cứu trợ hoang dã) và AWF (Quỹ Hoang dã châu Phi) phối hợp tổ chức tại TPHCM tuần qua cho thấy, 95% tê giác trên thế giới bị giết bởi nhóm săn trộm xuyên quốc gia và mua bán trái phép, trong đó người Việt Nam và Trung Quốc là phần lớn.
Sừng tê giác nhập lậu vào Việt Nam nhiều nhất từ các nước Arập, Ấn Độ… Với giá trung bình khoảng 65.000 USD (năm 1993 mới khoảng 4.700 USD/kg), tức hơn 1,3 tỷ đồng cho 1kg sừng tê giác, số tiền quá lớn khiến nhiều băng nhóm tội phạm liều mạng phạm pháp để săn cho bằng được tê giác. Từ năm 2007 đến nay, số băng nhóm tội phạm săn trộm tê giác tại Nam Phi tăng lên 77%. Khoảng 4.000 sừng tê giác (12 tấn) bị đem ra khỏi Nam Phi từ năm 2009 đến 2012, nhưng chỉ 2,3% bị phát hiện và tịch thu.
Theo Cơ quan quản lý CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã), Trung Quốc, Việt Nam là những thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới về sừng tê giác từ châu Phi, nhất là Nam Phi, nơi chiếm 85% lượng tê giác châu lục này. Năm 2013, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ 4 vụ, thu 27 sừng. 7 tháng đầu năm nay phát hiện 1 vụ, thu giữ 5 sừng, tổng trọng lượng 13kg. Việc kinh doanh sừng tê giác hiện đang được công khai trên mạng với lời rao bán, kèm cả số điện thoại và email.
Từ chỗ cấp phép săn bắn tê giác trong các cuộc thi cho du khách, Nam Phi đã hạn chế giấy phép cho du khách săn bắn khi phát hiện việc này bị lợi dụng và đến tháng 10-2012, Nam Phi ngưng hẳn, đồng thời siết chặt visa hơn.

Người Việt Nam giờ đây chỉ có thể xem tê giác nhập khẩu tại các vườn thú như Thảo Cầm Viên, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Coi chừng sừng… trâu
Chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” thuộc chương trình “Không có người mua, không còn kẻ giết” được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức WildAid, AWF và Trung tâm CHANGE đang được tiến hành tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức về việc sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã của người dân thông qua truyền thông.
Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi kể lại, tháng 4-2014 khi đến Nam Phi, dù mang quốc tịch Úc nhưng là người gốc châu Á, lại xuất phát từ Việt Nam nên anh bị giữ lại 4 giờ ở sân bay để thẩm vấn và có cảm giác như tội phạm. Nhưng sau khi được giải thích về tình hình tê giác bị giết ở Nam Phi, anh cảm thông vì tình huống này.
Theo Tom Milliken, chuyên gia về tê giác của mạng lưới quản lý động vật hoang dã quốc tế TRAFFIC, thật đáng tiếc khi tê giác Java biến mất ở Việt Nam bởi nhóm thợ săn lùng và cũng chính những người này đứng đằng sau việc săn bắn tê giác ở châu Phi khi thị trường trong nước có nhu cầu ngày càng lớn vì sự đồn thổi chữa bệnh nan y, nhất là ung thư. Vì vậy, sừng tê giác trở thành món quà đắt tiền và “độc đáo” được khá nhiều người tìm mua để sử dụng hay làm quà biếu. Một “trào lưu” đáng bị lên án.
Theo bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm CHANGE, do ảnh hưởng văn hóa làng xã, người dân dễ tin vào những lời đồn đoán, thay vì tin vào những chứng cứ khoa học về giá trị thật của sừng tê giác. Nhiều người vô tình hay cố ý khi không biết việc mình làm đang đẩy một loài vật quý hiếm đến nguy cơ tuyệt chủng và cũng không biết rằng, bản thân mất rất nhiều tiền vào một thứ mà vàng thau lẫn lộn, khi phần lớn trên thị trường là hàng giả, chủ yếu là sừng trâu châu Phi, thậm chí sừng trâu Việt Nam. Bên cạnh nâng cao nhận thức cộng đồng, nhiều ý kiến đề nghị nhà nước nên tiêu hủy tất cả ngà voi và sừng tê giác tịch thu để tỏ rõ cho thế giới biết Chính phủ Việt Nam cương quyết bài trừ vấn nạn tai tiếng này.
CÔNG PHIÊN