
Cùng dòng chảy của những câu chuyện thấm đẫm giá trị nhân văn trong “Cây bạch đàn vô danh”, “Đời cát”, “Người đàn bà mộng du”…, với bộ phim truyện nhựa thứ sáu này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân một lần nữa làm tái tê con tim của người xem, dẫn dắt họ vào mạch cảm xúc với nỗi xót xa.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và các diễn viên trong phim.
Mai, 16 tuổi, sinh ra ở một vùng quê gió cát nghèo của tỉnh Quảng Bình. Cô nuôi ước vọng vào TPHCM học nghề thợ may để về làng mở cửa hiệu. Để lại tình yêu chớm hé với anh chàng cùng trang lứa ở làng với bao nhiêu kỷ niệm trong trẻo, cô theo “thím Tư” vào TPHCM. Mai bị đẩy vào đường dây cung cấp gái điếm mà đầu mối là “thím Tư”.
Biết mình bị lừa, Mai bỏ trốn nhưng bất thành. Bị “vỗ béo” và trở thành món hàng béo bở của chủ chứa, Mai sớm bị lây nhiễm HIV/AIDS. Cùng lúc đó, cô biết tin Minh, cô em gái ở quê nhà với nỗi khắc khoải mong ngóng chị và quyết tâm ra thành phố như chị để thực hiện khát vọng đổi đời, cũng sắp theo thím Tư vào Nam.
Động ca ve bị công an truy kích, Mai trốn thoát và hối hả trở về quê để kịp thời ngăn Minh không bước nhầm vào con đường cô đã đi. Hành trình trở về của Mai trong thân xác tiều tụy cũng đầy cay cực và bi hài. Cô phải van lơn và tự nhận bị bệnh mới được tay tài xế xe tải đường dài buông tha. Tình cờ gặp lại người yêu chờ đợi một lễ ăn hỏi sau Tết, Mai bỏ chạy… Khi cô vừa về đến quê cũng là lúc chuyến xe chở cô em cùng thím Tư lăn bánh…
Trái tim bé bỏng đề cập đến vấn đề đang nhức nhối trong cuộc sống đương đại, phản ảnh một cách khá trung thực và sinh động về cuộc sống của những thanh thiếu niên ở những vùng quê nghèo, luôn khát khao ra thành phố, mặc dù biết có rất nhiều thử thách phải đối mặt... Bộ phim như một phóng sự tài liệu ghi lại cuộc đời của Mai khiến người xem xót xa, lo lắng trước những cạm bẫy chờ đợi Mai và đau đáu, nức nở trước những nỗi đau của những cô bé trong sáng, ngây thơ ở miền quê nghèo cát trắng ấy… Trái tim bé bỏng đặt ra dấu hỏi lớn cho xã hội của chúng ta: con đường nào cho khát vọng đổi đời của những người trẻ ở mỗi làng quê nghèo?
Người xem nghèn nghẹn và buông tiếng thở dài cho những phận người ngay cả khi những hình ảnh cuối cùng của bộ phim khép lại. Ấy là lúc chuyến xe đưa cô em ra đi dừng lại… Không chỉ với một cái nhìn mềm mại chứa đầy ẩn ức và đẩy những cảm xúc mãnh liệt tận sâu bên trong, với bộ phim này, Nguyễn Thanh Vân đối mặt với tất cả những gì đắng chát và nghẹn ngào, thậm chí là sự trơ trẽn nằm trong mặt trái của xã hội. Với lối làm phim gần với phong cách phim tài liệu: hình ảnh chân thật, tận dụng triệt để âm thanh và tiếng động thực của đời sống, những con người hồn nhiên sống và vô tư hăm hở vào đời hiện lên thật sống động và đáng thương…
Nguyễn Thanh Vân đặc biệt tinh tế trong thể hiện những trạng thái cảm xúc rất đàn bà. Mẹ của Mai với chai rượu trên tay, rít thuốc lào nhả khói và lặng im không nói. Hay hình ảnh đầy tâm trạng khác của Mai khi khỏa thân tắm trong nhà chứa. Cô mơ hồ cảm nhận về sự nhầy nhụa sẽ chất chồng và dẫm đạp lên cơ thể trong trắng của mình…
Đây cũng là bộ phim mà Nguyễn Thanh Vân thực hiện theo quy trình hoàn toàn khác với các phim trước đây anh đã làm: Bắt gặp một phóng sự trên báo, anh chia sẻ ý tưởng với nhà viết kịch Nguyễn Quang Lập. Rồi họ rong ruổi nhiều tháng ngày ở những miền quê Quảng Bình, những tỉnh miền Tây Nam bộ… Đong đầy cảm xúc và thu lượm biết bao cảnh đời, số phận người trong những chuyến đi ấy để dồn trút cho những trang kịch bản. Sự cộng hưởng nhiều năm nay giữa hai người thêm một lần nữa cống hiến cho khán giả một bộ phim chân thực và xúc động.
Sự trở lại của những gương mặt quen biết trong các phim của Nguyễn Thanh Vân trước đó cũng góp phần đem đến thành công cho phim. Lan Hà - cô bé Danh, con của Tâm trong Đời cát- giờ là thiếu nữ 19 tuổi, sinh viên Trường Nghệ thuật Huế. Cô nhập vai hơn cả những gì đạo diễn mong đợi. Hồng Ánh cũng lột xác thành bà mẹ xốc vác, lam lũ và một nách 4 con nhỏ với ông chồng vô trách nhiệm…
Hơi tiếc, phim có đôi chi tiết lộ rõ sự sắp đặt hay cái ngẫu nhiên bị lạm dụng: Thím Tư vừa gọi điện báo với chủ chứa có “hàng” thì tay bảo vệ nghe lỏm được và y báo ngay với Mai khi cô vừa đi đến. Minh trên xe ô tô thoáng trông thấy bóng chị đi ngược chiều, cô đòi dừng xe để gặp chị nhưng thím Tư giằng tay không cho xuống. Mà thật ra, lúc đó giữa thím Tư và Minh đang là mối quan hệ “ân nhân”…
Trái tim bé bỏng là một bộ phim khá đặc biệt: khi còn là kịch bản phân cảnh đã được trao giải thưởng Mùa xuân 2007 của Tổ chức Sáng kiến phim toàn cầu. Đây là một giải thưởng được nhiều người biết đến và đặc biệt hơn nữa là thành phần Ban giám khảo đều là những người có uy tín trong nghề như: Pedro Almodovar (Tây Ban Nha), Lucy Barreto (Brazil); Noah Cowan (Canada), Jia Zhangke (Trung Quốc), Pierre Rissient (Pháp)...
Bộ phim làm hậu kỳ tại Thái Lan với sự tài trợ của tổ chức Global Film Initiative (GFI). Dự kiến, Trái tim bé bỏng sẽ tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế và trình chiếu tại các đại học lớn ở Mỹ với sự hỗ trợ của Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE), tổ chức phi lợi nhuận thực hiện các hoạt động văn hóa - giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.
* Kịch bản: Nguyễn Quang Lập; đạo diễn: Nguyễn Thanh Vân; quay phim: Nguyễn Hữu Tuấn; âm nhạc: nhạc sĩ Quốc Trung. Dàn diễn viên đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam và đều còn rất trẻ: Kim Hạnh, Hồng Ánh (kiêm phó đạo diễn). Bộ phim do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2007.
Võ Thâm