Tên lửa áp sát Syria

Nhật báo Wall Street Journal ngày 10-4 đưa tin, ít nhất một tàu khu trục của Mỹ đã áp sát bờ biển Syria sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố khả năng Mỹ phản ứng quân sự sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc khu vực Đông Ghouta của Syria hôm 7-4 vừa qua.
Người dân Syria lũ lượt di tản khỏi khu vực Đông Ghouta
Người dân Syria lũ lượt di tản khỏi khu vực Đông Ghouta
Nguy cơ cận kề

Theo trang infowars.com, Mỹ và Anh đang điều một lực lượng hải quân hùng hậu gồm tàu chiến, máy bay áp sát bờ biển Syria sẵn sàng cho một cuộc tập kích bằng đường không vào các mục tiêu quân sự của Syria. Tàu khu trục tên lửa U.S.S. Donald Cook thuộc lớp Arleigh Burke, nằm trong số các khu trục hạm lớn nhất từng được Mỹ chế tạo, được thiết kế để trở thành chiến hạm đa năng, đáp ứng vai trò tác chiến phòng không (AAW), chống ngầm (ASW) và chống tàu mặt nước (ASuW). Ngoài tàu chiến Mỹ, có một chiếc máy bay tiếp dầu trên không KC-2 của Không quân Hoàng gia Anh cũng đang lượn vòng ngoài bờ biển Lebanon sẵn sàng tiếp nhiên liệu cho các máy bay một khi lệnh tấn công được đưa ra.

Sau cáo buộc quân đội Syria sử dụng vụ khí hóa học tấn công các lực lượng phiến quân ở thành phố Douma, Đông Ghouta, Mỹ và phương Tây đã đe dọa dùng mọi giải pháp kể cả quân sự đối với Syria. Các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc phương án quân sự đa phương nhằm đáp trả vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Tuy nhiên, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận thông tin trên. 

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux khẳng định nước này sẽ có hành động đáp trả đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nếu có bằng chứng cho thấy Damascus đứng sau vụ tấn công tại Douma. 

Trước những lo ngại về việc xảy ra một cuộc tấn công của Mỹ, các lực lượng của chính quyền Syria triển khai hệ thống phòng không hiện đại xung quanh thủ đô Damascus và gần Phủ Tổng thống của nước này. Tin cho biết, 6 hệ thống tên lửa phòng thủ đã được bố trí, trong đó có hệ thống phòng không Pantsir-S2 của Nga gồm tên lửa đất đối không tầm trung và pháo phòng không. Cùng lúc này, 1 máy bay trinh sát đặc biệt của Nga A-50 đang hoạt động trên vùng trời 2 tỉnh Latakia and Tartous, dọc theo bờ biển Syria cảnh giới sát sao mọi động tĩnh từ phía Hải quân Mỹ. 

Bổn cũ soạn lại

Đúng thời điểm này 1 năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh tấn công chớp nhoáng nhằm vào một căn cứ quân sự của Syria bằng 50 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Washington giải thích quyết định tấn công này là để đáp trả một vụ tấn công nghi có sử dụng vũ khí hóa học ở ở Idlib tháng 4-2017, làm hơn 80 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Mỹ và các nước phương Tây một mực đổ lỗi cho quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội Syria đã không kích trúng kho vũ khí hóa học của phe đối lập nước này. Trong khi chưa có bất kỳ kết quả điều tra chính thức về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học trên, Mỹ đã đơn phương có hành động quân sự nhằm vào quân đội chính quyền Syria. Cho đến bây giờ, những cáo buộc nêu trên vẫn vô căn cứ, song những mất mát về người và tài sản thì không thể lấy lại. 

Quy trình cáo buộc - tấn công này lại tái diễn và có chiều hướng nghiêm trọng hơn sau đúng 1 năm. Mỹ và nhiều nước phương Tây tiếp tục cáo buộc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Douma của Syria hôm 7-4 vừa qua và sau đó sân bay quân sự Tayfur (T-4) ở miền Trung Syria trở thành nạn nhân của các cuộc không kích, với ít nhất 14 người thiệt mạng. Chính quyền Syria và Nga đã cáo buộc Israel tiến hành vụ không kích với sự giật dây từ Mỹ. 

Với những động thái trên, căng thẳng ở Syria đã được Mỹ và phương Tây chủ động đẩy lên một nấc thang mới với hậu quả khó lường vào thời điểm mà cuộc chiến chống khủng bố tại Syria dường như sắp tới hồi kết, còn tiến trình hòa bình cũng đang có những hy vọng mới. Cũng giống như cuộc không kích đúng 1 năm trước, hành động quân sự sẽ không mang lại kết quả mà chỉ khiến tình hình thêm phức tạp, đe dọa không chỉ Syria mà cả Trung Đông có thể rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.

Tin cùng chuyên mục