Tết gần hơn

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết. Không khí mùa xuân đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng với những công nhân bị tai nạn lao động, bị bệnh hiểm nghèo lại không dám mơ đến ngày tết. Nhưng nhờ được sự giúp sức của chương trình “Cùng công nhân vượt khó”, họ có thêm động lực để bước tiếp và dường như tết cũng đang đến gần hơn với những người công nhân giàu nghị lực này.
Tết gần hơn

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến tết. Không khí mùa xuân đã xuất hiện ở nhiều nơi nhưng với những công nhân bị tai nạn lao động, bị bệnh hiểm nghèo lại không dám mơ đến ngày tết. Nhưng nhờ được sự giúp sức của chương trình “Cùng công nhân vượt khó”, họ có thêm động lực để bước tiếp và dường như tết cũng đang đến gần hơn với những người công nhân giàu nghị lực này.

San sẻ khó khăn

Những người tham dự buổi họp mặt “Cùng công nhân vượt khó” hôm ấy đã rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh chị Phạm Thị Ri (công nhân Công ty Dịch vụ công ích quận 10, TPHCM) đến với sự giúp sức của đôi nạng gỗ. Hơn 1 năm trước, khi đang quét đường, chân chị đau nhức rồi ngã quỵ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị không dám đi khám mà chỉ uống thuốc giảm đau. Mãi 2 tháng sau khi những cơn đau hành hạ chị đến không chịu được, chị mới đi khám và chới với khi biết mình bị thoái hóa khớp gối, phải phẫu thuật.

Dù di chuyển khá khó khăn và mỗi lần đi lại những cơn đau lại ập đến, nhưng chị Ri muốn đến tham dự chương trình để được tự mình nói lời cảm ơn các mạnh thường quân. “Năm nay gia đình tôi đã không dám mơ đến tết, bởi bao tiền bạc đã dành cho các cuộc phẫu thuật. Nhưng nay, nhận được sự giúp đỡ của chương trình, tết này gia đình tôi sẽ tươm tất hơn”, chị chia sẻ.

Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Thị Thu trao suất hỗ trợ cho công nhân bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo.

Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo - ung thư đường ruột, hàng ngày chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (công nhân Công ty Quảng Việt) phải chống chọi với bao đau đớn. Đến tham dự chương trình trễ, chị Ngọc Yến chọn ngồi ở một góc khuất, chị bảo mình bị lạc đường bởi đây là lần đầu tiên chị xuống TP và phải đi một đoạn đường xa từ Tây Ninh. Chị muốn ngồi ở đây vì có thể nhìn rõ hơn các mạnh thường quân đã giúp mình. Căn bệnh hành hạ, chị không thể tiếp tục công việc. Chồng chị đi làm phụ hồ, công việc bấp bênh lại mang trong mình bệnh lao phổi nên cũng phải nghỉ việc. Chị nói: “Đã nhiều lần tôi suy nghĩ bi quan, nghĩ đời mình như thế là hết. Nhưng hôm nay, được gặp gỡ, giao lưu với các anh chị em công nhân có hoàn cảnh giống mình, thậm chí có người còn khó khăn hơn mình, tôi biết mình còn may mắn và phải bước tiếp bởi xung quanh còn bao cánh tay đưa ra nâng đỡ”.

Nghị lực của anh Đỗ Công Danh (công nhân kho HTX Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) khiến nhiều người khâm phục. Phát hiện bệnh ung thư hạch cấp độ 3 đã di căn hơn nửa năm nay nhưng anh vẫn kiên cường chống chọi và đến kho làm việc với tinh thần lạc quan. “Tôi cũng phải tự đấu tranh tư tưởng rất nhiều, bởi mình là trụ cột gia đình, nếu nằm xuống thì gia đình sẽ khổ. Ngoài ra bên cạnh tôi còn có sự giúp sức của bao anh em đồng nghiệp”, anh Danh tâm sự.

Động lực để bước tiếp

26 công nhân nhận được sự hỗ trợ của chương trình “Cùng công nhân vượt khó” đều là những công nhân say mê lao động, có người đã phải bùi ngùi chia tay công việc bởi sức khỏe quá yếu, nhưng những ai còn có thể thì ngày ngày vẫn cần mẫn đến xưởng đóng góp sức mình dù đang phải đối mặt với những đau đớn của căn bệnh hiểm nghèo và bộn bề khó khăn.

Cô gái người Khmer Thị Chành Thi (quê Kiên Giang, công nhân Công ty Upgain, KCX Linh Trung 1) có gương mặt xinh xắn, đưa tay lau vội giọt nước mắt khi xem đoạn video có hình ảnh của mình. Giao lưu tại chương trình, Thi nghẹn lời: “Em rất xúc động và vui mừng khi nhận được sự quan tâm của LĐLĐ TPHCM, các anh chị công đoàn. Em thấy vô cùng ấm áp. Em không biết nói gì, chỉ biết nói cảm ơn”. Bị chứng “phù chỉ chân voi”, sức khỏe kém, đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày Thi vẫn đến xưởng làm việc.

Ngoài ra, để có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình, Thi nhận may thêm quần áo ở tại nhà trọ bằng chiếc máy may cũ mang từ quê lên. Thi tính, số tiền 5 triệu đồng được hỗ trợ sẽ dành ra một phần mua chiếc máy vắt sổ, số còn lại sẽ gửi về quê để cha mẹ có tiền đón tết. “Vậy là sắp tới, em sẽ không phải đi một đoạn đường xa để vắt sổ. Cái chân này sẽ đỡ đau đớn hơn”, Thi cho biết.

Ngoài những chương trình chăm lo tết thiết thực của LĐLĐ TPHCM cho công nhân lao động, chương trình “Cùng công nhân vượt khó” đã giúp nhiều công nhân bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động có thêm niềm vui đón tết. Nói về dự định của mình, chị Phạm Thị Ri cho biết sẽ dùng số tiền được hỗ trợ để về quê mở một tiệm tạp hóa nhỏ.

Còn chị Nguyễn Thị Ngọc Yến nói mình sẽ mua một con heo để nuôi, số tiền còn lại sẽ dành cho ca mổ tiếp theo. Dù số tiền nhận được chưa nhiều, nhưng với những suy nghĩ chắt chiu của những công nhân chịu thương, chịu khó ấy, nó không chỉ giúp công nhân vui đón tết, mà còn giúp họ có cơ hội thực hiện ước mơ cho tương lai.

Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Thị Thu, chia sẻ: “Tôi rất cảm động và khâm phục nghị lực của các anh chị công nhân trong buổi giao lưu. Đây là những tấm gương vượt khó cần được nhân rộng”. Bà Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng, chương trình đã làm được một việc rất thiết thực, mang đậm tính nhân văn là giúp công nhân có thêm động lực vượt khó.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục