Tết về hay ở - Những lựa chọn và nỗi niềm: Người không về, quà quê ngược phố

Không có sự lựa chọn nên với nhiều người, tết ở lại thành phố trở thành chuyện phải làm. Cái tết ở xứ người, lẽ đó ít nhiều không trọn vẹn. Nhưng sẽ an ủi và sưởi ấm đến họ, là những món quà được gửi từ quê về thành phố.

Khi tết là phép màu

Không còn những vạt giường xập xệ, tứ bề chắp vá bằng tôn, bạt; “trại 25” - một địa điểm nằm trong khuôn viên Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy dành cho thân nhân bệnh nhân được nâng cấp từ lâu. Trại giờ là khu nhà dịch vụ, với giá 30.000 đồng đến vài trăm ngàn đồng mỗi giường, phòng.

Chỗ khang trang đó, suốt hơn 2 tháng qua, nhiều lần vợ chồng bà Lê Thị Điệp - Ngô Ngọc Tiến trộm nhìn và mơ ước. Họ mong thử một lần đặt chân, biết đâu sẽ có một giấc ngủ ngon, sau thời gian dài lót manh chiếu kế bên trại, đất là giường và trời là màn.

Nhưng trong thời gian này, những khoản chi dẫu chỉ vài ngàn đồng cũng buộc họ phải nặng lòng tính toán. Cơm ba bữa xin các đoàn từ thiện, nước khi khát mới mua, manh chiếu nghỉ hàng đêm nhặt quanh trại.

Tất cả sự tằn tiện đó đều dành đóng viện phí cho Xuyên, cô con gái 24 tuổi đang nằm Khoa Cấp cứu. Ngày 20-11-2023, sau khi về Phú Yên thăm nhà, Xuyên trở lại Nha Trang làm việc. Một mình chạy xe máy, cô tự té và bất tỉnh, hôn mê đến giờ chưa tỉnh. Gần 200 triệu đồng với nỗ lực giúp con duy trì sự sống, cũng là khoản vay mượn từ họ hàng, xóm làng, mà ông Tiến, với thu nhập bốc vác ở quê 4 triệu đồng/tháng, chưa biết sẽ làm sao để trả lại.

Mỗi lần có bệnh nhân ở tỉnh rục rịch xuất viện để về quê đón tết, bà Điệp lặng lẽ lấy điện thoại mở kho ảnh, đầy hình Xuyên mỉm cười xinh xắn. Bà dừng thật lâu bộ ảnh con thử áo cưới cho ngày trọng đại sẽ diễn ra trong vài tháng tới, nước mắt chảy ròng. “Giờ vầy, tết gì nữa, cũng không về quê được, có chăng, tết của tôi là thấy con tỉnh lại”, bà Điệp lạc giọng, rằng nghe ai đó nhắc tết và đếm từng ngày, bà cũng vô thức đếm, chỉ có ba đứa con, đứa đầu 27 tuổi mất do biến chứng tiểu đường vừa mới giỗ đầu, Xuyên nằm đây, còn cậu trai út đang học lớp 12, rất giỏi nhưng chắc đành nghỉ học.

Gia cảnh gieo neo, nhiều đêm, trong giấc ngủ chập chờn trên manh chiếu, nền đất lô nhô, bà Điệp tỉnh giấc, quờ quạng không thấy chồng liền ngồi bật dậy, một mạch chạy đến khuôn viên tiểu cảnh cách đó vài chục mét, thấy ông Tiến quỳ sụp cầu mong phép màu cho Xuyên. Phép màu nếu xảy ra, bà nói, sẽ là cái tết lớn nhất cho gia đình và cuộc đời mình.

z3a-1436.jpg
Nhiều điểm trang trí tiểu cảnh ở BV Nhi đồng 1 TPHCM với hy vọng làm dịu cơn đau của các bệnh nhi

Cũng là phép màu và tết lớn của chị Phạm Ngọc Linh, nếu Trang (10 tuổi), con gái út thành công cuộc phẫu thuật sắp tới, để được chuyển từ BV Nhi đồng 1 sang BV Ung bướu TPHCM. Hôn nhân thất bại, chị Linh một mình ôm 3 con nhưng nghịch cảnh chưa tha, khi cuối năm 2022, Trang mắc bệnh ung thư xương. Ngặt nỗi, khối u lại nằm ngay khớp háng.

Qua mấy đợt vô thuốc, bệnh Trang dần chuyển xấu. Lúc ký cam kết để BV Chấn thương Chỉnh hình tháo khớp háng cho con, chị Linh được dặn dữ nhiều lành ít. Ca mổ thành công, nhưng vết thương quá lớn lại bị nhiễm trùng. Trang được chuyển sang phòng cách ly của BV Nhi đồng 1 đến nay.

Mỗi ngày 2 bận, chị Linh xuống căn tin mua cháo nóng cho con rồi vội quay lên phòng. Bận bịu, chị quên mất thời gian. Chỉ cách đây vài bữa, ai đó bất giác nắm lấy tay chị, từ biệt để đưa con về quê đón tết, chị bỗng sực nhớ. Giữa tháng Chạp, hành lang BV đã thưa vắng hơn, phần lớn bệnh nhân nhẹ đều được xuất viện hoặc về BV địa phương.

Nhìn BV bày tiểu cảnh với khóm tre, ụ rơm, chiếc nơ đỏ vàng rực rỡ trên nhánh mai, cành đào, chị chảy nước mắt, thương con gái nhiều lần thủ thỉ: “Giờ con chỉ còn một chân, ở đâu cũng phải nằm một chỗ. Nhưng con không buồn chút nào, con chỉ mong khỏe để bên mẹ và các chị lâu hơn”...

Quà quê ngược phố

Từ ngày mẹ theo em chiến đấu với bệnh tật, chuyển từ BV này qua BV khác thì trong căn phòng trọ ở quê, 2 con gái của chị Linh (16 tuổi và 12 tuổi) học cách lo cho nhau. Cả hai mừng rỡ khi được mẹ hứa nếu ca mổ thành công, Trang được chuyển sang BV Ung bướu thì tết cho cả hai được lên ở với em. Qua điện thoại, động viên em ráng chiến thắng bệnh tật, cả hai hứa sẽ mang quà tết là món kẹo chong chóng mấy chị em hay mua ăn ở trường. “Ở BV, tết có cần gì đâu, nhưng ca mổ thành công sẽ là món quà thật lớn dành cho mấy mẹ con tôi”, chị Linh nói.

Ở BV nên tết không cần gì, là quyết định xót xa của nhiều người, khi cuộc điều trị đã không thể tạm dừng. Nhưng nếu thiếu đoàn tụ, tết sẽ có rất nhiều sự chia sẻ. Những cuộc điện thoại động viên từ quê nhà đủ khiến họ vững vàng, không thấy lẻ loi hay muộn phiền.

Ông Tiến kể, nợ chồng nợ, lòng ái ngại nhưng vài ngày trước, BV kêu đóng gấp 20 triệu đồng viện phí cho Xuyên, ông quáng quàng gọi về quê mượn đại một người bà con. Tin truyền đi, xóm làng, rồi những bà con của bà con, mỗi người một ít giúp ông qua lúc ngặt nghèo. Biết tết này vợ chồng ông không về, nhiều người trong xóm cho hay có mứt dừa, mứt bí, bánh thuẫn nhà làm sẽ theo xe vào thành phố đến tận tay ông.

Chính quyền phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa xác nhận, vừa đưa gia đình ông Tiến vào diện hộ cận nghèo để phần nào được chăm lo, hỗ trợ theo chế độ. “Chưa biết con ra sao, nhưng còn nước và nhiều người cùng tát với mình nên tôi mạnh mẽ chống chọi”, ông Tiến trải lòng.

Hữu hình hay vô hình, những món quà gửi ngược về thành phố đã tiếp thêm động lực cho người không về quê đón tết, và minh chứng của truyền thống san sẻ, giúp nhau qua khó khăn, trở ngại. Hơn 10 ngày trước, gọi về Quảng Trị cho mẹ, chị Trần Thị Biết (công nhân Công ty Pouyuen, quận Bình Tân) sững sờ nghe bà thông báo: “Mạ có nuôi một con heo, tính để mừng bây về tết. Giờ bây không về, để mạ xẻ thịt làm vài món gửi vô”. Mẹ 73 tuổi, chị Biết không muốn làm phiền nhưng để mẹ vui, đành dè dặt chọn vài món để bà làm dễ dàng.

Chồng chị Biết mất do dịch Covid-19 hồi tháng 8-2021. Tổ ấm 5 người từng rất nhiều tiếng cười, giờ chị đối diện với gánh nặng trụ cột. Giáp năm chồng, chị chuyển sang phòng trọ cuối dãy chỉ hơn 10m2, nơi con kênh phía sau thi thoảng xộc mùi hôi nồng nặc. Chiếc máy giặt ngày xưa được chồng tặng, chị cũng hiếm khi dùng để tiết kiệm điện, nước. “Tháng nào hàng nhiều thì lương tôi được 10 triệu đồng, còn lại tầm 7-8 triệu đồng. Tiền trọ rồi 3 đứa nhỏ học bán trú, thiếu hụt liên miên đâu có tiền về tết”, chị Biết bùi ngùi.

Khoản thưởng tết tầm 10 triệu đồng, chị Biết cho hay, qua tết tìm một khóa học đăng ký cho cậu con đầu 17 tuổi theo học. Chị hy vọng, đó sẽ là khóa học giúp con tìm lại được tiếng cười, mở lòng với chung quanh. Chị Biết cho hay, làng xóm thương hoàn cảnh nên những ngày qua, ai tổ chức tất niên, mở tiệc đều gọi mấy mẹ con chị đến chơi. Sáng 21-1, UBND phường Tân Tạo A trao 3 phần quà, kèm 600.000 đồng đến các con của chị, là khoản chăm lo cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19. “Không về được, nhưng tết vậy đủ ấm áp với mẹ con tôi”, chị Biết nói.

Bà Trình Thị Hoa (64 tuổi, ở trọ số 2/17 TL16, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12) đúc kết tương tự: “Tui không về nhưng ở đây cũng như đang ăn tết ở quê”. Bà kể, món bánh tráng đặc sản Bình Định đã được em trai gửi vào, kèm cây chả lụa mua từ bạn hàng ở chợ An Nhơn - Bình Định mà bà rất yêu thích, chừng ấy sẽ giúp bà thấy vị quê như quấn quýt bên mình.

Thâm niên 18 năm không về tết, bà nói đơn giản: “Tiền xe về tết đắt đỏ quá thì đợi qua... mùng, giá vé bình thường rồi về sau cũng được. Hơn nữa, tết tui tranh thủ ở lại vì bán được rất nhiều vé số”. Khoản lời nhờ đó, từ trước tết, bà Hoa đã ứng trước gửi về cho người thân.

Nhằm hỗ trợ tinh thần, động viên bệnh nhân, giúp họ vơi bớt nỗi đau bệnh tật, nhân Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các BV ở TPHCM tổ chức nhiều hoạt động như tặng quà, suất cơm miễn phí, bữa cơm tất niên; chuyến xe đưa bệnh nhân, người nhà về quê ăn tết... Song song đó, kết hợp các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà cho người bệnh. Tại BV Ung bướu TPHCM, các hoạt động tết bắt đầu từ 22 tháng Chạp, như: trang trí vườn hoa tiểu cảnh xuân, gian hàng 0 đồng, khánh thành sân thể thao cho bệnh nhân, chương trình vui xuân đón tết. Đặc biệt, những chuyến xe 0 đồng đưa người bệnh về quê đón tết bắt đầu từ 26 tháng Chạp. Các bệnh nhân điều trị xuyên tết tại BV nhận được quà và lì xì. Ở BV Chợ Rẫy có đường hoa để bệnh nhân, nhân viên y tế tham quan; hỗ trợ vé xe, tặng quà cho bệnh nhân, thân nhân đón tết trong BV…Tại BV Nhi đồng 1, theo TS-BS Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc BV, BV tổ chức thi trang trí hoa mai, hoa đào nhằm tạo sân chơi ý nghĩa, tạo sự gắn kết giữa các bệnh nhi, thân nhân và nhân viên y tế. Hy vọng các cháu có những ký ức, kỷ niệm đẹp khi điều trị tại BV.

THÀNH SƠN

Tin cùng chuyên mục