Tết về trên đôi vai gầy của mẹ

Gió lạnh lại về, lá vàng rụng rơi. Trời xám xịt, mây lững thững. Tiếng xe đường hối hả, từng hồi còi rú thêm vội vàng, hình như tết lại sắp chạm trên từng nóc nhà tranh, lán chợ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn dòng người qua lại, ai mang đào quất đi đâu, ai mang dong lá gói từng nỗi nhớ, rắc vào tôi nỗi ưu tư của người con xa xứ khi nhớ về mẹ cha.

anh-bo-me-1320.jpg
Bố mẹ tôi mưu sinh trên xe hàng gốm sứ cho đến ngày 30 tết

Không khí tết đến với gia đình tôi thường sớm hơn mọi nhà. Tôi luôn cảm nhận được sự bận rộn của bố mẹ tôi và gánh nặng từ xe hàng gốm sứ chất đầy như đống rơm. Đầu năm, hàng gốm sứ bán chậm còn dần về cuối năm bán chạy hơn. Chẳng vậy mà dù có mưa rét đến mấy, bố mẹ tôi vẫn đi chợ đều đặn từ 3 giờ sáng trên chiếc xe máy cũ mèm, lạch bạch trong tiết trời miền Bắc giá lạnh. Cuộc chiến mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng từ ngày bố mẹ tôi nên duyên đôi lứa.

Những ngày cận tết, tiểu thương như bố mẹ tôi bận đến nỗi chẳng có thời gian ăn cơm, tắm giặt. Họ làm việc từ tờ mờ sáng cho đến đêm muộn cho cái tháng củ mật và cũng là cho cái tết đủ ăn, đủ mặc.

Mẹ tôi thường nói rằng “đi chợ giống như đi câu, buổi được buổi về tay không”. Nhưng những hôm mẹ ế hàng, chở xe hàng vài tạ đi thế nào về nguyên thế ấy, đôi mắt mẹ lại chìm đắm ưu tư, lo phiền bởi số tiền hàng còn quá lớn, rồi tết này lấy thịt, bánh chưng ở đâu? Cả nồi cơm của gia đình chỉ trông vào việc buôn bán của bố mẹ, ráo mồ hôi là bị đói, nên anh em chúng tôi thường bị cuốn theo cảm xúc tầng tầng lớp lớp của mẹ.

Tôi đi học nên được nghỉ tết sớm, vì vậy tôi thường phụ giúp mẹ bán hàng. Từ ngày 20 tháng Chạp đến tết, tôi có nhiệm vụ “xí chỗ” trên vỉa hè đoạn chạy qua làng tôi. 3 giờ sáng, tiếng rít thuốc lào cành cạch, khói thuốc lào đắng ngắt của bố lách vào nhà đánh thức tôi dậy.

Những ngày tháng Chạp cạn dần, ngoài đường đông kìn kịt người, nhưng chủ yếu họ đi mua sắm, chơi tết. Đưa mắt theo dòng người qua lại, các gương mặt háo hức trong những bộ đồ mới tinh, mang vác những hương nồng của đào sớm, rồi quyện theo từng cơn gió, chỉ có những tiểu thương vẫn còn nặng nỗi ưu tư, đoán già đoán non về thế chợ năm nay.

Người bán đào, người bày biện rau củ, người tỉa tót hoa quả và những người bán gốm sứ như bố mẹ tôi đứng sàn sạt vào nhau. Họ như thấu hiểu cái nghề nghiệp buôn thúng bán mẹt chứ chẳng phải phi thương bất phú như mọi người vẫn nghĩ. Họ đứng gần nhau kể những câu chuyện đời lúc rảnh rỗi, mua cho nhau ít hàng cho rôm rả, lấy lộc.

Gió càng lạnh, trời thêm khô. Da mặt mẹ nứt toác, bong tróc, đôi môi rỉ máu, bàn tay đỏ mọng khi phơi mặt trước ngoài đường bụi bặm từ sáng tinh sương. Có những hôm mẹ mất luôn cả giọng do khách hàng mua đông còn không kịp bán.

Bố mẹ ăn vội bữa cơm trưa trong cặp lồng nguội tanh. Mẹ nằm thiếp đi trên biển túi ni-lông giữa chợ, úp khẽ chiếc nón lá lên mặt để thoáng qua giấc ngủ trưa. Bố rít cành cạch thuốc lào để đập tan cơn buồn ngủ. Không khí tết ngập tràn con đường mà ngày thường huơ hoắc. Từng ngôi nhà lên cảnh quan ngày tết, từng gian bếp lảng bảng khói lam chiều nấu bánh chưng và từng người, từng người gác lại mọi ưu phiền trong năm, chuẩn bị đón niềm vui ngày tết…

Còn gia đình tôi đón tết theo đúng cách của một nhà tiểu thương, cả nhà đông đủ ngoài chợ, bán thứ này, mua thứ kia, rôm rả theo nhịp tết hối hả. Bởi ai cũng hiểu bán sạch hàng thì tết mới vui, không quần áo mới cũng không sao, không trang hoàng nhà cửa cũng được, bánh chưng đành gửi bà nội gói, cây quất cành đào thì đêm 30 trao đổi hàng hóa với bạn chợ… vẫn cứ là có tết.

Khi tiếng pháo giao thừa chuẩn bị rền vang, cả nhà gấp gáp dọn đồ về mái tranh nghèo trong cuối ngõ. Mẹ đổ chiếc nón lá với cả rừng tiền lẻ ra, duỗi ngay ngắn, đếm sắp cẩn thận trong cái lặng thinh của con đường. Những ô cửa đã lên đèn ấm áp. Mọi gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên cũng là lúc những người bạn chợ chào nhau ra về, tạm bỏ qua mọi ế ẩm của chợ búa, hy vọng vào một năm mới đầy sum xuê, lộc lá.

Đường đời muôn nẻo, năm tháng dạt trôi, chợt nhận ra đôi vai gầy và đôi mắt sâu hoắm của mẹ đã không còn tinh tường vào mỗi sáng tinh sương. Thế nên, khi giờ đã đủ đầy hơn nhưng khi ở xa cha mẹ, tôi vẫn cứ vời vợi nhớ hương vị chợ búa, cùng bố mẹ mưu sinh, lam lũ thuở nào. Thứ hương vị tình thân ấy cứ trôi cuốn thúc giục tôi sớm thu xếp về ăn tết với bố mẹ, cùng mẹ muối vại dưa hành, cùng cha đánh gốc đào từ vườn vào nhà và nổi lửa quây quần bên nồi bánh chưng, lắng nghe những khắc khoải cuộc đời!

NGUYỄN DUY KHÁNH

Thôn Yên Phú, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục