* Chưa tăng giá khí
Trước cảnh báo về nguy cơ thiếu dầu, khí phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong nước, hôm qua, một lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) cho biết, để bù đắp thiếu hụt, bên cạnh tìm kiếm trong nước, không còn cách nào khác là phải mua mỏ ở nước ngoài.
Đầu tư 4,5 tỷ USD cho lĩnh vực khí
Hiện nay, tổng trữ lượng và tiềm năng khí ở Việt Nam khá lớn, trên 2.000 tỷ m3. Tuy nhiên, trữ lượng khí đã được thẩm lượng và sẵn sàng để phát triển trong thời gian tới chỉ khoảng 400 tỷ m3.
Các chuyên gia dầu khí dự báo khả năng cung cấp khí khô trong năm nay sẽ thiếu hụt khoảng 0,4 tỷ m3, con số này vào 2010 sẽ là 1,8 tỷ m3. Trong đó, khu vực miền Nam bị thiếu hụt lớn hơn cả.
Một cán bộ PetroVietnam cho rằng bất hợp lý lớn nhất trong việc phát triển khí ở Việt Nam hiện nay chính là giá khí. Hiện giá khí thô do Chính phủ quyết định. Trong đó, giá khí bán cho các nhà máy điện ở mỏ Bạch Hổ chỉ 2 USD/triệu BTU, bằng 21% giá khí thế giới. Giá khí ở Nam Côn Sơn tuy có cao hơn nhưng cũng chỉ bằng 34% giá khí thế giới.
Trong khi giá bán khí Cà Mau chỉ bằng 51% giá khí thế giới. Giá bán khí cho nhà máy đạm còn ảm đạm hơn nữa, chỉ 1,07 USD/ triệu BTU! Còn giá condensate cũng chỉ bằng 30% giá thế giới. Giống như ngành điện, giá khí thấp như hiện nay đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác khí và nhất là bán khí cho Việt Nam.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ KH-ĐT), để phục vụ phát triển kinh tế, các ngành năng lượng của Việt Nam phải tăng trưởng thấp nhất là gấp rưỡi tốc độ phát triển kinh tế. Tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2015 cần tới khoảng 70 triệu tấn dầu quy chuẩn. |
Vì vậy, mới đây, Tổng công ty Khí (thuộc PetroVietnam) đã kiến nghị Nhà nước xây dựng lộ trình giá khí sát với giá thế giới.
Vấn đề này, cuối tuần qua PetroVietnam cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đại diện các bộ, ngành. Tuy nhiên quan điểm của tập đoàn và các bộ ngành là để bảo đảm kiềm chế tăng giá sẽ không điều chỉnh giá khí. Mai này, khi giá ổn định, sẽ xây dựng lộ trình và giá khí, nhất là khí bán cho điện.
Trước mắt để ổn định thị trường và bảo đảm cung cấp khí cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, Tổng công ty Khí đang xúc tiến dự án nhập khẩu khí khô từ Malaysia và Indonesia để bổ sung cho khí thiếu hụt trong nước. Tổng công ty cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ – TPHCM và cố gắng hoàn thành dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (Cần Thơ).
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, PetroVietnam đã ra Nghị quyết, trong đó yêu cầu Tổng công ty Khí thu gom và đưa vào bờ 100% sản lượng khí khai thác. Đồng thời, sớm đưa khí có hàm lượng CO2 cao vào sử dụng. Phấn đấu giai đoạn 2007-2010 phải đưa vào bờ tiêu thụ từ 6,1 đến 9,1 tỷ m3/năm. Cũng trong giai đoạn này sẽ đầu tư khoảng 4,5 tỷ USD cho lĩnh vực khí (thăm dò, khai thác, xây dựng đường ống và kho chứa…).
Dầu thô: nhất định phải mua mỏ
Giải thích việc thiếu hụt 1,5 triệu tấn dầu khai thác trong năm nay, Tổng giám đốc PetroVietnam Trần Ngọc Cảnh cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do tập đoàn không mua được mỏ dầu ở Kazakstan giá 2 tỷ USD, cho sản lượng khai thác 1 triệu tấn/năm như dự kiến.
Bên cạnh đó, trạng thái khai thác một số mỏ trong nước rất phức tạp, điển hình là các mỏ Phú Mỹ 3, Ruby, Rạng Đông và Đại Hùng. Còn việc sang năm chỉ khai thác 16 triệu tấn, giảm so với kế hoạch và chiến lược đã đề ra, Chủ tịch HĐQT Đinh La Thăng cho rằng do khi làm chiến lược đã không tính toán đến sản lượng khai thác thực tế và các yếu tố phát sinh.
Tuy nhiên, để bảo đảm sản lượng dầu trong thời gian tới, PetroVietnam và các đối tác đã chủ động tăng cường thăm dò, khai thác dầu khí. Nhờ thế, chỉ trong 9 tháng đã gia tăng trữ lượng được 33 triệu tấn, xấp xỉ kế hoạch cả năm nay.
Đặc biệt, ông Đinh La Thăng cho biết, chưa bao giờ PetroVietnam ký được nhiều hợp đồng dầu khí mới như 9 tháng qua với 6 hợp đồng trong nước, 3 hợp đồng ở nước ngoài (Cuba và Indonesia). Trong đó, đối tác nước ngoài đã phát hiện dầu khí mới ở 2 mỏ Đông Đô và Báo Vàng.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, ông Thăng cho biết, tới đây, PetroVietnam sẽ mua mỏ ở nước ngoài (từ xưa đến nay chưa mua được mỏ nào). Được biết, tập đoàn đang xúc tiến mua lại một công ty của Kazakstan sở hữu một số mỏ dầu có trữ lượng hàng chục triệu tấn.
Tập đoàn cũng đã đạt được những thỏa thuận, hợp đồng nguyên tắc mua mỏ hoặc liên doanh khai thác dầu khí với các đối tác ở Venezuela, Tuynidi, Angola, Iraq… “Vấn đề của chúng tôi hiện nay không phải là thiếu tiền mà rào cản nằm ở khâu quy trình, thủ tục. Nếu thủ tục được đơn giản hóa và trao quyền chủ động hơn cho tập đoàn, chúng tôi nhất định sẽ mua được mỏ dầu ở nước ngoài”, ông Thăng nói.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết tới đây sẽ có cơ chế đặc thù, tăng phân cấp để tập đoàn mua bằng được mỏ dầu ở nước ngoài. Theo ước tính, tổng trữ lượng và tiềm năng dầu khí của Việt Nam khoảng trên 4 tỷ m3 dầu quy đổi. Trong đó, mới phát hiện được hơn 1 tỷ m3 dầu quy đổi. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu PetroVietnam tập trung xác minh, thăm dò, 2/3 lượng quy dầu tiềm năng chưa xác minh để khai thác, sử dụng.
NAM QUỐC