Đã có nhiều rắc rối phát sinh đối với người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) 5 năm liên tục: Thẻ BHYT không có dòng chữ “thời điểm đủ 5 năm liên tục”; thẻ có dòng chữ trên nhưng người bệnh vẫn không được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh… Trao đổi về các vấn đề liên quan, ông Cao Văn Sang, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết:
Người đã tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện nay 1.210.000 đồng/tháng), thì được quỹ BHYT chi trả toàn bộ 100% chi phí khám chữa bệnh những tháng còn lại trong năm. Tuy nhiên, khi có 2 điều kiện trên, người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám chữa bệnh, mà cần mang đầy đủ biên lai thu viện phí đồng chi trả đến BHXH TPHCM hoặc BHXH quận, huyện yêu cầu cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”. Khi có giấy chứng nhận này, bệnh nhân sử dụng cho những lần khám sau và khi đó mới được quyền lợi BHYT 100%.
Khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện quận 10. Ảnh: MAI HẢI
PHÓNG VIÊN: Vì sao nhiều người tham gia BHYT đã lâu nhưng thẻ BHYT của họ không thể hiện “thời điểm đủ 5 năm liên tục”, thưa ông? Phải chăng cơ quan BHXH “giấu” đi thông tin? Quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng ra sao?
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Nguyên nhân cơ bản nhất là sự yếu kém về công nghệ thông tin. Những ai làm việc 5 năm liên tục ở 1 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp thì hệ thống máy tính của BHXH Việt Nam sẽ tự động nhận diện và in được thẻ BHYT có dòng chữ đủ 5 năm liên tục. Còn với người có thay đổi nơi làm việc, mỗi khi đến nơi làm việc mới, người dân nhận thẻ BHYT mới thì hệ thống công nghệ thông tin chưa thông minh đến mức tự liên kết, tự tìm, tự đọc và nhận diện để in được hàng loạt thẻ BHYT có dòng chữ trên. Dẫu vậy, khi người dân có yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng truy cập kho thẻ, tìm kiếm và in lại thẻ BHYT có dòng chữ 5 năm liên tục phục vụ từng người.
Hơn nữa, quy định về BHYT 5 năm liên tục mới áp dụng từ ngày 1-1-2015. Các trường hợp người dân được cấp thẻ BHYT có thời hạn 5 năm (như đối tượng hưu trí chẳng hạn), nhưng thời điểm cấp từ trước năm 2015, thì trên thẻ chưa thể hiện dòng chữ này.
Việc thẻ BHYT chưa thể hiện dòng chữ trên là hạn chế từ công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam chứ không hề có chuyện giấu thông tin. Ngay khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ năm 2015, chúng tôi đã in 2,2 triệu tờ rơi và nhờ hơn 25.600 tổ trưởng tổ dân phố phát tới hơn 2,2 triệu hộ dân trên địa bàn TP. Chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền trên báo chí, webstie nên không thể nói là “ém” thông tin.
Tôi khẳng định, các trường hợp không có dòng chữ trên, quyền lợi vẫn không bị ảnh hưởng gì. Vì để được BHYT thanh toán 100%, người dân cần phải có “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”, dù trên thẻ BHYT của họ có, hay chưa có dòng chữ “thời điểm đủ 5 năm liên tục”.
Khi người dân thỏa mãn 2 điều kiện về thời gian tham gia và đồng chi trả rồi, tại sao bệnh viện và cơ quan BHXH không tự “biết” mà lại yêu cầu người dân phải có giấy chứng nhận?
Đó là mong muốn chính đáng của người dân nhưng hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa các bệnh viện trong cả nước của ngành y tế chưa làm được. Người bệnh không chỉ đi khám chữa bệnh ở một nơi mà còn có thể khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến. Do các bệnh viện tại TPHCM nói riêng và trong cả nước nói chung chưa liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của bệnh nhân nên không bệnh viện nào có thể biết được từ đầu năm đến thời điểm nào đó trong năm, người bệnh đã đồng chi trả 6 tháng lương cơ sở hay chưa để có căn cứ bắt đầu miễn phí khám chữa bệnh trong phạm vi BHYT cho bệnh nhân.
Nên để được miễn phí khám chữa bệnh trong phạm vi BHYT, với điều kiện như hiện nay, người dân vẫn cần tới cơ quan BHXH để được cấp giấy chứng nhận.
Người dân cần đợi bao lâu thì có giấy chứng nhận, thưa ông?
Với người có thẻ BHYT đã in dòng chữ “thời điểm đủ 5 năm liên tục” thì chỉ cần mang hóa đơn đã thanh toán ở các bệnh viện đúng tuyến trong năm đến chúng tôi. Trường hợp thẻ chưa thể hiện dòng chữ trên thì khi mang hóa đơn đến, người dân cần điền thêm giấy đề nghị xác nhận quá trình tham gia BHYT (theo mẫu). Chúng tôi tiếp nhận hồ sơ, rà soát xem việc đồng chi trả đó cái nào đúng, cái nào không đúng rồi tính ra số tiền đồng chi trả của bệnh nhân để cấp giấy chứng nhận. Thời gian nhận giấy 1 - 10 ngày làm việc. Nếu lần khám bệnh gần nhất cách đây hơn 1 tháng, lúc đó, kho dữ liệu của bệnh viện chuyển về rồi, chúng tôi tìm ra nhanh và trả sớm kết quả. Còn mới khám hôm qua nhưng hôm nay người dân mang hóa đơn tới, dữ liệu bệnh viện chưa chuyển qua cơ quan BHXH, nên có khi phải mất 10 ngày.
Về lâu dài, có thể bỏ đi giấy chứng nhận không, thưa ông?
Với quy định như hiện nay - phải thỏa mãn 2 điều kiện về thời gian và số tiền đồng chi trả - thì chỉ có thể bỏ được giấy chứng nhận nếu hệ thống công nghệ thông tin về BHYT của BHXH Việt Nam “thông minh”, tự nhận diện được người dân đã tham gia BHYT 5 năm liên tục, dù họ thay đổi nơi làm việc, thay đổi chỗ ở… Đồng thời, hệ thống liên kết giữa tất cả các bệnh viện trong cả nước của ngành y tế phải được thiết lập, chứ không rời rạc như hiện nay.
Hiện nay, chúng tôi cũng vừa thu thập xong thông tin của hơn 8 triệu người dân TPHCM để phục vụ cho việc cấp thẻ BHYT theo mã định danh gắn với nơi cư trú. Khi thẻ BHYT được cấp theo mã định danh - người dân sinh ra được cấp một mã thẻ BHYT duy nhất và xài cho cả đời, hệ thống sẽ tự đọc được các trường hợp tham gia BHYT 5 năm liên tục, dù họ có thay đổi nơi ở, nơi làm việc. Tuy nhiên, tiến bộ đó sẽ không phát huy tác dụng nhiều cho mục đích bỏ đi giấy chứng nhận, bởi còn liên quan đến việc tính số tiền đồng chi trả và việc này phụ thuộc vào hệ thống liên kết của ngành y tế n
ĐƯỜNG LOAN (thực hiện)