Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) giai đoạn 2012-2022, sáng 30-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương PCTNTC khẳng định: phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, với việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC (trực thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh PCTNTC do Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.






Thứ nhất, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới, nhưng rất quan trọng.
Bởi tuyên truyền, giáo dục là một trong những biện pháp căn bản để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất.
Phải quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về PCTNTC; về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực... tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và PCTNTC; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".
Phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của "nhóm lợi ích", "sân sau", "tư duy nhiệm kỳ"; ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi xây dựng chính sách, luật pháp.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Cùng với "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế, thể chế, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị "tha hóa".
Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTNTC, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan nội chính từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này.
Đặc biệt, phải xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNTC thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTNTC nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
Các tin, bài viết khác
-
Phối hợp đào tạo cán bộ chất lượng cho khu vực công của TPHCM
-
TPHCM thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
-
Tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa TPHCM-Singapore
-
Việt Nam tích cực phối hợp với các nước tháo gỡ khó khăn, sớm cấp thị thực cho hộ chiếu mẫu mới
-
Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao
-
Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn
-
Ký kết Văn kiện khung Chiến lược hợp tác phát triển bền vững giai đoạn 2022-2026 giữa Việt Nam với Liên hiệp quốc
-
TPHCM quán triệt, triển khai nghị quyết về chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam
-
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm dự Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Cà Mau
-
Tăng cường hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào