Tháng 7 tri ân

“Quảng Trị là nơi đau thương nhất Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và là tỉnh có nhiều nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) nhất nước. Cả tỉnh có 72 NTLS, trong đó có 2 NTLS cấp quốc gia là NTLS quốc gia Trường Sơn và NTLS quốc gia Đường 9” - lời giới thiệu của người hướng dẫn viên đã phần nào giải thích vì sao có rất đông người đến viếng, thắp nhang tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì ngày hòa bình, thống nhất đất nước.
Tháng 7 tri ân

“Quảng Trị là nơi đau thương nhất Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và là tỉnh có nhiều nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) nhất nước. Cả tỉnh có 72 NTLS, trong đó có 2 NTLS cấp quốc gia là NTLS quốc gia Trường Sơn và NTLS quốc gia Đường 9” - lời giới thiệu của người hướng dẫn viên đã phần nào giải thích vì sao có rất đông người đến viếng, thắp nhang tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì ngày hòa bình, thống nhất đất nước.

Đã nhiều lần đến viếng Thành cổ Quảng Trị, NTLS quốc gia Trường Sơn, NTLS quốc gia Đường 9 nhưng nỗi xúc động vẫn dâng trào khi mỗi thành viên trong đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí TPHCM chúng tôi được nghe kể lại, xem hình ảnh, kỷ vật về sự chiến đấu kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị (từ ngày 28-6 đến ngày 16-9-1972). Trong thời gian ấy, không quân Mỹ - ngụy oanh kích 2.294 lần, với tổng số bom ném xuống nơi đây bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Hàng ngàn chiến sĩ anh dũng ngã xuống, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, máu xương hòa vào lòng đất. Thành cổ Quảng Trị không có nấm mộ riêng mà chỉ là ngôi mộ tập thể chung. Và mỗi người trong chúng tôi đã lặng đi khi nghe cô hướng dẫn viên đọc một đoạn trong lá thư gửi gia đình của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh viết vào ngày thứ 77 trong chiến dịch, khi mà sự khốc liệt của bom đạn đã lên đến tột cùng. Những dòng thư: “Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ. Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau” (viết cho mẹ); “Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới lòng anh. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về” (viết cho vợ)... là sự minh chứng để có ngày độc lập, thống nhất hôm nay, rất nhiều anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc riêng tư của mình cho Tổ quốc.

Các thành viên trong đoàn chuẩn bị nghi thức thả bè hoa xuống dòng sông Thạch Hãn. Ảnh: HOÀI NAM

Đứng bên dòng sông Thạch Hãn, dòng sông nhuộm đỏ máu đồng đội mình trong “Mùa hè đỏ lửa 1972”, bác Nguyễn Đức Huỳnh kể: Đại đội 27, Tiểu đoàn 39, Lữ đoàn 241 chúng tôi là một trong những đơn vị chiến đấu trong 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Đã có nhiều đồng đội của chúng tôi hy sinh nơi đây. Đợt này chúng tôi vào thăm lại chiến trường xưa, làm lễ cầu siêu cho đồng đội. Thấy sự tri ân của đất nước, của nhân dân, chúng tôi thấy an lòng cho đồng đội dù vẫn còn trăn trở vì có những người chưa tìm được hài cốt…

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sông nước/Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”. Cả đoàn chúng tôi ai nấy đều lặng người khi nghe giọng đọc của nhà báo Diễm Chi (Báo Phụ Nữ TPHCM) đọc lại đoạn thơ của dũng sĩ diệt Mỹ, nhà báo Lê Bá Dương khóc thương đồng đội mình bên dòng Thạch Hãn - trong phát biểu cảm tưởng trước lúc đoàn thực hiện nghi thức thả bè hoa xuống dòng sông oanh liệt đã ôm vào lòng hàng ngàn người con ưu tú của Tổ quốc. Trên bè hoa tươi được mọi người cẩn thận đặt lên những tấm bánh, gói thuốc lá thơm, chai nước, ly rượu, ấm trà, nén nhang thơm… gửi theo dòng nước đến với các anh, các chị. Máu đỏ hòa vào nước, thịt xương tan vào đất. Họ mãi mãi nằm xuống cho khát vọng tự do…

Những tia nắng cuối ngày rắc vệt dài trên sườn đồi phủ trắng những ngôi mộ nghi ngút khói hương. Đêm nay, những ngọn nến đưa ánh sáng dẫn các anh, các chị nằm lại trên các quả đồi tại NTLS quốc gia Trường Sơn sẽ về với đồng đội, người thân và quê hương mình. Rất nhiều những người con từ khắp miền xa, trong đó có đoàn chúng tôi từ thành phố mang tên Bác đến với các anh trong đêm nay với những ngọn nến soi đường. Minh Tuấn và Hạ Thảo, hai phóng viên trẻ của Báo SGGP, nhẹ nhàng đặt những ngọn nến trên phần mộ các anh mà lòng cứ nghẹn lại.

“Âm vang Trường Sơn”, tên gọi của hành trình tháng 7 tri ân đã đem đến cho mỗi thành viên trong đoàn chúng tôi thật nhiều ý nghĩa về lẽ sống, lý tưởng cao đẹp vì Tổ quốc và cả nỗi nhớ khôn nguôi về lớp lớp thế hệ hôm qua đã cống hiến bằng máu xương của mình cho đất nước phát triển hôm nay.

ÁI CHÂN - HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục