Tháng chạp quê nhà

Tháng chạp, những ngày cuối đông dường như cái rét đậm hơn và mưa phùn cũng thêm dày hạt. Gió mùa đông bắc hết đợt này đến đợt khác, ào ào thổi làm cho cây cối xơ xác, đường làng vênh vao. Thi thoảng, có ngày mặt trời le lói những tia nắng yếu ớt chiếu xuống mặt đất. Thế cũng đủ làm cho xóm thôn chộn rộn hẳn lên.

Cũng như nhiều vùng quê khác ở cửa ngõ miền Trung, tháng chạp – tháng cuối cùng của một năm, tháng vào tết – mọi gia đình ở Thanh Hóa quê tôi đều tất bật với bao nhiêu công việc cần làm ngay. Vài mươi năm trở về trước, khi chưa có giống lúa mới ngắn ngày, tháng chạp này, đi đâu cũng gặp câu khẩu hiệu “Cấy chưa xong, chưa yên lòng ăn tết”. Vậy là giữa cái rét căm căm, phụ nữ quê tôi vẫn phải lội bì bõm trong nước buốt thấu xương cắm cây mạ xuống…

Xin ngàn lần cảm ơn các nhà khoa học, đã sản sinh ra giống lúa đông xuân ngắn ngày để tháng chạp người dân quê tôi vơi đi phần cực nhọc. Bởi với giống lúa này, ăn tết xong, ra giêng cấy mạ xuống đồng vẫn không ảnh hưởng gì đến thời vụ, năng suất.

Tôi vẫn nhớ, những tháng chạp xưa cũ, gọi là xưa cũ nhưng cũng chỉ mới những năm cuối của thế kỷ trước thôi, bước vào tháng chạp người quê tôi cập rập lắm. Ngoài việc “chưa cấy xong chưa yên lòng ăn tết” thì lúa vụ mùa mới gặt về, chưa phơi phóng cho khô được. Rồi nhà nào nhà nấy còn phải lo xay bột để tết làm bánh mật, bánh nếp. Ngày ấy, toàn xay bột nước cả, không gặp được nắng là mốc ngay, bỏ đi cả mẻ, xót xa lắm. Rồi chặt mía nấu mật chia nhau, rồi đánh cá ao hợp tác phân phối theo đầu người, rồi mấy gia đình gom góp mổ con lợn…

Nhưng với lũ trẻ, nỗi lo lắng nhất trong tháng chạp ấy là bộ quần áo mới. Vải vóc hiếm đã đành, nhưng thợ may còn hiếm hoi hơn. Làng tôi chỉ có hai bác thợ may, tháng chạp nai lưng ra đạp máy may ngày 20 giờ vẫn không đáp ứng nổi. Có những cô, cậu cận kề giao thừa rồi vẫn còn ngồi ở nhà thợ may chầu chực quần áo mới…

Bước sang thế kỷ mới, kinh tế thị trường đến với cái làng từ ngày tạo dựng đến giờ chửa biết buôn bán là gì. Đời sống người dân mỗi ngày khấm khá, năm sau hơn năm trước. Cái đói, cái rách đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng không vì thế mà tháng chạp không còn tất bật, lo toan. “Con gà đua nhau tiếng gáy” trong những năm tháng này không phải ở con cá mớ rau, cái quần cái áo nữa, mà đã là những cái lớn lao, đắt giá hơn nhiều.

Mới đầu tháng chạp, đã nhiều gia đình rước thợ về cơi nới, sơn phết lại nhà cửa cho hơn anh, hơn em. Hoặc đi tận tỉnh mua tivi, xe máy đời mới. Cái chõ bánh mật truyền thống đã nhường chỗ cho nồi bánh chưng to đùng. Dường như cỗ tết nhà nào cũng có giò lụa, cắt dày, cắn ngập chân răng, thịt gà trống thiến vàng rười rượi và bia chảy tong tong… cùng với những lời hô “dzô dzô” đầy hứng khởi.

Tháng chạp, cái rét của ngày xa xưa không biết đã trốn đi đâu, hay vẫn còn đó, nhưng vì bây giờ quần áo ấm quá đầy đủ, nên con người không còn sợ gió mùa đông bắc nữa. Ấm từ lòng người ấm ra, tất bật trong hạnh phúc khi mỗi cái tết cứ đủ đầy mãi lên.

Tháng chạp năm Mậu Tý, năm có nhiều biến động, ảnh hưởng không ít đến đời sống xã hội, nhưng quê tôi vẫn giữ được nhịp sống ổn định, bởi bản chất cần kiệm của người nông dân mãi còn đó. Mọi gia đình bàn đến cái Tết Kỷ Sửu, bàn đến mùa xuân mới với nụ cười ăm ắp tháng ngày…

THANH XUYÊN (quận 9, TPHCM)
(SGGP Thứ bảy)

Tin cùng chuyên mục