Mấy ngày qua, rải rác ở một số KCX-KCN trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện những cuộc ngừng việc tập thể. Như đã thành lệ, mỗi khi áp lực về tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt gia tăng, công nhân lao động lại quay về với giải pháp ngừng việc tập thể đòi quyền lợi. Tuy nhiên, những nguyên nhân dẫn đến ngừng việc được nhìn nhận bấy lâu nay chỉ là bề nổi. Phần chìm của tảng băng, bất ngờ thay, chính là việc coi thường pháp luật bằng cách cho ra đời những thang bảng lương ảo từ phía doanh nghiệp.
Muôn người như một!?
Cầm trên tay bản khai sử dụng lao động của một doanh nghiệp ngành may đang hoạt động trên địa bàn TPHCM, chúng tôi hết sức bất ngờ bởi mấy trăm công nhân may, mỗi người có thời gian tuyển dụng khác nhau, kéo dài từ năm 2000 đến năm 2011 nhưng lại được đăng ký với một mức lương căn bản như nhau: 2.247.000 đồng. Con số này được lý giải như sau: doanh nghiệp chọn mức lương cơ bản là 2 triệu đồng, cộng với 7% của mức lương cơ bản (đối với lao động đã qua đào tạo) cộng thêm 5% mức lương cơ bản (đối với ngành nghề độc hại).
Trong bản khai trình này, một số công nhân làm ở vị trí như tổ trưởng, công nhân đóng gói, phụ kho, công nhân trải vải… có mức lương cơ bản 2.140.000 đồng - tức không có 5% phụ cấp độc hại. Duy chỉ có các chức danh như quản đốc, trưởng phòng mới có mức lương 5 triệu đồng.
Điều này có nghĩa, dù thâm niên của những công nhân này chênh nhau đến hơn chục năm nhưng mức lương căn bản mà doanh nghiệp chọn làm căn cứ để đóng BHXH cho từng người là như nhau. Trong khi đó, thang bảng lương mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước gồm nhiều bậc lương. Khoảng cách từng bậc lương, thời hạn để tăng từ bậc này lên bậc cao hơn do doanh nghiệp tự xây dựng theo quy định của pháp luật lao động.
Điều đó có nghĩa, nếu áp dụng đúng thang bảng lương, trong một thời điểm xác định, mỗi công nhân, với thời gian tuyển được tuyển dụng khác nhau, sẽ được nâng lương vào những lúc khác nhau theo chu kỳ, tùy hiệu quả công việc và hoàn toàn không có chuyện người làm 10 năm cũng có mức lương như người làm 1-2 năm.
Theo cán bộ phụ trách quản lý lao động, việc đánh đồng mức lương căn bản để nộp BHXH là hiện tượng phổ biến của rất nhiều doanh nghiệp. Trên thực tế, những thang bảng lương mà doanh nghiệp đăng ký chỉ là thang bảng lương ảo, hoàn toàn không được áp dụng.
Lỗ hổng lớn về quan hệ lao động
Thực tế, tổng thu nhập của những công nhân này có thể khác nhau. Bấy lâu nay, doanh nghiệp vẫn đem phụ cấp thâm niên ra để lý giải rằng đây là biện pháp để tạo sự khác biệt giữa công nhân cũ và công nhân mới. Thế nhưng, việc đăng ký mức lương như nhau cho người lao động có thời gian làm việc khác nhau là một động thái lách luật của doanh nghiệp. Lợi ích trước mắt mà doanh nghiệp đạt được là “tiết kiệm” một phần phí đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (vì mức đóng dựa trên mức lương căn bản của người lao động).
Một “lợi ích” thứ hai cho doanh nghiệp là tránh được việc tăng lương theo chu kỳ. Lâu nay, hầu như doanh nghiệp đã quen với việc chỉ móc hầu bao trả thêm tiền lương khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu mà cố tình lờ đi chuyện tăng lương theo niên hạn trên cơ sở thang bảng lương đã xây dựng cho công nhân.
Gần đây, một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi xảy ra ngừng việc tập thể. Công nhân yêu cầu doanh nghiệp tăng thêm 500.000 đồng tiền lương. Đây là doanh nghiệp đã có xây dựng thang bảng lương.
“Những cuộc đình công và yêu sách được đưa ra cho thấy người lao động hết sức mù mờ về ý nghĩa của thang bảng lương: họ yêu cầu tăng lương đồng loạt vào cùng một thời điểm. Con số mà người lao động đưa ra luôn hết sức tròn trĩnh. Nếu hiểu được cơ chế tăng lương theo thang bảng lương, công nhân sẽ hiểu mỗi người sẽ được tăng lương ở một thời điểm khác nhau và con số tăng thường là số lẻ chứ không tròn trĩnh như vậy” - ông Hồ Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý lao động Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, phân tích.
Nếu được tăng lương theo đúng niên hạn, người lao động sẽ không tìm đến giải pháp đình công như một phương án sau cùng. Như vậy, việc cố tình vô hiệu hóa ý nghĩa của thang, bảng lương trong nhiều năm qua là nguyên nhân sâu xa nhất của hàng loạt các bất ổn trong quan hệ lao động.
Rất tiếc, hiện nay, việc xây dựng thang bảng lương ảo để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước lại chưa bị xử lý nghiêm khắc. Nghị định số 47/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động của Chính phủ chỉ quy định mức xử phạt từ 2-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đăng ký thang lương, bảng lương. Riêng chuyện làm thang bảng lương ảo rồi để đó vẫn được dung túng.
Lẽ nào một lỗ hổng lớn làm ảnh hưởng sâu sắc đến bức tranh về lao động đã được nhìn ra lại không thể bịt kín?
MAI HƯƠNG