Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thành phố Hồ Chí Minh: Trong khó khăn vẫn có nhiều điểm sáng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đề ra 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm. Đến nay, hầu hết các đề án đã được triển khai trên cơ sở tổ chức nghiên cứu bài bản hoặc tổ chức hội thảo, góp phần tạo ra luận cứ vững chắc, sát thực tế.

Nhiều khó khăn trong huy động vốn

Theo Thường trực UBND TPHCM, tuy thành phố đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa ghi nhận dấu hiệu đột phá trong phát triển, thể hiện rõ nét nhất là trong kết quả về tăng trưởng, chủ yếu vẫn dựa vào vốn và lao động.

Giai đoạn 2021-2022 ghi nhận sự sụt giảm lớn về tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP, bình quân chỉ đạt 20,1% (trong khi thời kỳ 2011-2020 đạt 31,8%). Điều này cho thấy TPHCM gặp khó khăn trong huy động vốn đầu tư phát triển cũng như việc giải ngân vốn đầu tư đạt mức thấp, kể cả giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn kéo dài nhiều năm nhưng chưa thể đưa vào khai thác, làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhiều hệ lụy về mặt xã hội, môi trường. Quy mô sản xuất công nghiệp sụt giảm so với giữa nhiệm kỳ trước; thị trường bất động sản, thị trường tài chính và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Một hạn chế khác được Thường trực UBND TPHCM nhìn nhận là năng lực quản trị có phần không theo kịp yêu cầu quản lý phức tạp của một đô thị quy mô lớn, thể hiện trước hết ở nhiều hạn chế được bộc lộ từ mô hình tổ chức bộ máy chính quyền.

Ngoài ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, còn có nguyên nhân do sự bất cập của một số cơ chế, chính sách chung, cũng như tình trạng chưa đồng bộ, chồng chéo của hệ thống văn bản pháp luật; việc biến động nhân sự lãnh đạo của UBND TPHCM đã tác động đến kết quả tăng trưởng của thành phố.

Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, TPHCM sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh; phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, để đây thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 98/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thu ngân sách đạt 109%

Dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đạt được một số kết quả nhất định. GRDP tăng bình quân khoảng 2%. Ước thực hiện tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2023 là 1,3 triệu tỷ đồng, đạt 109% so với dự toán và tăng gần 29% so với giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng thu bình quân hơn 26%. Đến giữa năm 2023, TPHCM đạt tỷ lệ 20,4 bác sĩ/1 vạn dân, 43 giường bệnh/1 vạn dân, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố sau đại dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và các tỉnh, thành phố phía Nam.

TPHCM cũng triển khai theo lộ trình các chương trình, đề án đột phá về GD-ĐT. Đến tháng 6-2023, đạt 294 phòng học/1 vạn dân trong độ tuổi đi học; đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội của TPHCM được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp đô thị được kéo giảm từ 4% vào năm 2020 xuống còn 3,97% vào cuối năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm từ 1,49% xuống còn 0,84%. Nửa đầu nhiệm kỳ, TPHCM tập trung mọi nguồn lực trong xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu; chú trọng hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng đầu tư xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ngân sách Trung ương đã bố trí cho TPHCM hơn 25.248 tỷ đồng vào 3 dự án mang tính chất liên kết vùng, vành đai, đường cao tốc. Đến nay, TPHCM đã hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, tổ chức khởi công, triển khai thi công dự án xây dựng nút giao thông An Phú, xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và dự án đường Vành đai 3 TPHCM.

Trong lĩnh vực KH-CN, theo TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, nửa đầu nhiệm kỳ, sự phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo tại TPHCM đã đi đúng hướng. TPHCM đã xây dựng và ban hành nhiều chương trình, cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Giai đoạn 2021-2022, TPHCM đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho hơn 5.000 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển cho gần 700 doanh nghiệp; 236 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mạo hiểm… Nhìn chung, các chỉ tiêu cơ bản về KH-CN và đổi mới sáng tạo của thành phố đã đạt theo chiều hướng sẽ hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ.

Trong đổi mới quản lý, TPHCM luôn đặt trọng tâm vào công tác cải cách hành chính với hàng loạt kế hoạch, chương trình, đề án theo giai đoạn và hàng năm. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động…

Các nghị quyết của Trung ương tạo thuận lợi cho TPHCM

- Về lĩnh vực phát triển đô thị: Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị

- Về lĩnh vực đất đai: Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)

- Về mục tiêu thúc đẩy phát triển liên kết vùng: Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị

- Về mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)

- Về mục tiêu xây dựng cơ chế vượt trội nhằm hỗ trợ đầu tàu kinh tế của cả nước: Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị

- Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Nghị quyết 54/2017/QH14 và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội

Tin cùng chuyên mục