Trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 2005), đồng chí Nguyễn Minh Triết, Bí thư Thành ủy TPHCM lúc đó, đã khẳng định: “Mỗi người dân, mỗi gia đình trong TP đều có thể tự hào và có thể khẳng định TPHCM là TP nghĩa tình, năng động, sáng tạo...”. Nhận xét đó đúc kết sâu sắc một trong những nét đặc trưng về tính cách của người dân Sài Gòn - TPHCM.
Nghĩa tình thực sự là một truyền thống quý báu của đồng bào ta. Khi Pháp vào xâm chiếm (1859), Sài Gòn là nơi ghi đậm dấu lầm than của một quãng thời gian dài dằng dặc. Rồi những người chống Tây ngày càng nhiều: chỉ bằng lòng yêu nước cũng có; đuổi Tây bằng tư tưởng cách mạng tư sản cũng có… Sau này, nhiều nhất là những người cộng sản. Trong phong trào vô sản hóa, họ sống như người lao động, trong các xí nghiệp như Caric, Ba Son, Bình Tây, Chợ Quán... và được những người vốn rách áo, ít học nhưng hiểu lý lẽ, yêu nước, chở che, đùm bọc. Nghĩa tình giờ không chỉ giữa những người nghèo khó với nhau mà còn với những người đang mang sứ mệnh cao cả là giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Nghĩa tình đó trở thành một thứ keo sơn mang bản chất của mối quan hệ giữa dân với Đảng.
Những năm dưới chế độ Sài Gòn, sự tha hóa, lưu manh hóa diễn ra gần như hoàn chỉnh. Rồi những người chạy nạn, những kẻ xu thời cũng chọn Sài Gòn làm chốn dung thân bởi đất này ít nhiều xa chiến cuộc. Họ không hiểu lý tưởng cộng sản, lại nghe sự tuyên truyền sai lệch về người cộng sản... Ấy vậy mà khi biệt động thành về thì lại được chở che gần như an toàn tuyệt đối. Dưới những sàn nhà, dưới ruộng rau muống, ngay trên gác xép..., những người cách mạng gần như được mọi thành phần bảo vệ, đánh lạc hướng. Nghĩa tình đó không đong đếm được. Họ đơn thuần làm việc nghĩa theo cách của họ, mà lớn nhất là họ tin rằng những người làm cách mạng là người tốt, là những người đang chống lại quân đội nước ngoài xâm lược và chế độ tay sai của chúng.
Hòa bình lập lại. Các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa mới... len lỏi đến từng ngóc ngách của TP, thay dần những mái nhà lụp xụp ven kênh rạch hay những khu ổ chuột ở quận 4, quận 6, quận 8, Bình Thạnh... Có người nói nhiều đến sự quyết tâm, quyết đoán, sáng suốt của các thế hệ lãnh đạo TP, quận huyện. Điều đó hoàn toàn đúng. Không có những người lãnh đạo tâm huyết, có trách nhiệm, giàu ý tưởng thì chắc TPHCM khó được như ngày hôm nay. Nhưng có lẽ nên nói nhiều đến cái nghĩa tình của người dân nơi đây, thể hiện qua sự sẻ chia, chung vai chung sức trên tinh thần lá lành đùm lá rách. Nhiều vị lãnh đạo đã khẳng định phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân”, coi đó là phương thức cơ bản để công cuộc hiện đại hóa TP thành công.
Đó là những phong trào với tính độc đáo, sáng tạo, hiệu quả và nhân bản, từ TP đã mở rộng ra cả nước. Như phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xóa nhà tranh tre lá, mổ mắt miễn phí cho người nghèo, 3 giảm, đề án tổ chức quản lý và dạy nghề cho người nghiện ma túy, chăm lo chỗ ở cho công nhân - sinh viên nghèo, tổ chức vui tết cho công nhân - cả những người về quê và những người ở lại, các hoạt động tình nguyện của học sinh - sinh viên…
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX có nêu một số mục tiêu, nhiệm vụ: phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân TP... Nhìn ở góc độ văn hóa, nhân văn, những điều đó nên hiểu là xây dựng và nâng cao tính nghĩa tình trong nhân dân TP.
Giàu đẹp, văn minh, hiện đại rồi sẽ đạt được, đó là điều chắc chắn. Nhưng cái nghĩa tình trong sự biến động nhanh và phức tạp của nền kinh tế thị trường, của xu thế hội nhập, của lối sống tiêu dùng và thực dụng..., thì nếu không có cách gìn giữ phù hợp sẽ dần phôi phai, mai một. Cái vốn quý đó mà mất đi thì bản sắc của thành phố nói riêng, của Việt Nam nói chung e là khác rất nhiều. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải giữ lấy cái nghĩa tình quý báu đó, làm cho nó lớn thêm lên, phong phú hơn lên...
NGUYỄN MINH HẢI