Thành viên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á ủng hộ sáng kiến “One ASEAN” của Hội Xuất bản Việt Nam

Ngày 15-9, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, trong vai trò chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp UBND TPHCM tổ chức hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA).

Tại hội nghị, đại diện cho hội xuất bản các nước thành viên ABPA (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Campuchia...) đã lần lượt chia sẻ về thực trạng của ngành xuất bản mỗi quốc gia.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết, dù dịch Covid-19 đã được đẩy lùi gần 2 năm nhưng những ảnh hưởng, tác động tiêu cực lên nền xuất bản của các quốc gia Đông Nam Á là hết sức nghiêm trọng.

Báo cáo của các hội xuất bản nhiều quốc gia cũng chung nhận định này. Cụ thể, thời kỳ hậu Covid-19, các nước thành viên của ABPA bị sụt giảm khá lớn số lượng đầu sách xuất bản và doanh thu. Những tác động này được dự báo có thể kéo dài đến năm 2024.

Ông Nguyễn Nguyên phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Nguyên phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nguyên, mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và gần đây là những ảnh hưởng từ tình hình chính trị thế giới, xung đột vũ trang ở một số khu vực, cạnh tranh và suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng với những nỗ lực rất lớn, xuất bản của một số quốc gia vẫn đạt một số kết quả quan trọng, cho thấy tín hiệu tích cực cho sự phát triển.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu chung ASEAN, đặc biệt là “Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực và nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội”.

Sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Đặc biệt, tại hội nghị, Hội Xuất bản Việt Nam đã đưa ra sáng kiến thành lập Trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA và Giải thưởng sách ASEAN. Trong đó, đáng chú ý là sáng kiến “One ASEAN”, thông qua ABPA thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa các đơn vị xuất bản ở các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.

Sáng kiến này đã được các thành viên các nước ủng hộ. “Đoàn Malaysia hoàn toàn ủng hộ sáng kiến “One ASEAN” do Việt Nam đề xuất. Trong lịch sử 18 năm qua của ABPA, chúng ta đã rất nỗ lực nhưng lại chưa thực sự đi cùng nhau. Tất cả chúng ta bắt đầu những nỗ lực của mỗi quốc gia để thúc đẩy, phát triển hình ảnh của quốc gia mình nhưng sự kết hợp giữa các quốc gia thì chưa có. Tại Hội chợ sách Kuala Lumpur năm nay, chúng tôi sẽ thành lập phiên chợ giao dịch bản quyền ASEAN. Theo dự định của chúng tôi, đây sẽ là một phần trong sáng kiến “One ASEAN” mà Việt Nam đề xuất. Bởi lẽ, hội chợ bản quyền ASEAN giống như bước khởi đầu nho nhỏ mà các nước thành viên cần phối hợp chặt chẽ với nhau trước khi chúng ta nghĩ đến việc đi ra thế giới”, đại diện của Malaysia bày tỏ.

Thành viên các nước trong ABPA chụp ảnh lưu niệm
Thành viên các nước trong ABPA chụp ảnh lưu niệm

Tại hội nghị lần này, các nước thành viên đã cùng thảo luận và quyết định Malaysia sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.

Tin cùng chuyên mục