Tháo gỡ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời có mục tiêu chung là quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho người lao động, đặc biệt là người lao động yếu thế.

Chiều 8-8, đoàn khảo sát của Thành ủy TPHCM do Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải làm trưởng đoàn đã làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi về tình hình phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, thành lập tổ chức chính trị-xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện Củ Chi.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh, tổ chức Đảng ở các doanh nghiệp đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời có mục tiêu chung là quan tâm hỗ trợ, chăm lo cho người lao động, đặc biệt là người lao động yếu thế.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VĂN MINH

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải lưu ý, huyện Củ Chi là nơi có nhiều đơn vị kinh tế tư nhân, do vậy huyện cần cụ thể hóa mục tiêu và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện Đề án số 10 của Thành ủy TPHCM về tăng cường xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo.

Trước đó, báo cáo với đoàn khảo sát, đại diện huyện Củ Chi cho biết, đến hết tháng 6-2023, số doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tư nhân đang hoạt động trên địa bàn huyện là hơn 6.680 doanh nghiệp, đơn vị (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022).

Đoàn khảo sát của Thành ủy TPHCM làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi. Ảnh: VĂN MINH

Đoàn khảo sát của Thành ủy TPHCM làm việc với Huyện ủy huyện Củ Chi. Ảnh: VĂN MINH

Cũng trong khoảng thời gian này, huyện đã thành lập 7 tổ chức công đoàn cơ sở và 3 chi đoàn trong doanh nghiệp, đơn vị kinh tế tư nhân. Cùng với đó, kết nạp 9 đảng viên (đạt 75% chỉ tiêu), kết nạp 3.570 công đoàn viên (đạt 59,5%)...

Các hoạt động của các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đều hướng đến lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, vận động đảng viên, người lao động chấp hành nghiêm các quy định của doanh nghiệp; tổ chức các phong trào cải tiến, nâng cao tay nghề góp phần làm tăng năng suất, làm lợi cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động thông qua các nguồn hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên cơ sở.

Về phía doanh nghiệp cũng ghi nhận và tạo mọi điều kiện để tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp hoạt động theo đúng điều lệ đã quy định.

Tin cùng chuyên mục