Thắp lại “ngọn lửa” vi mạch

FPT Semiconductor vừa công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật. Tập đoàn Viettel cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip… Dự báo đến năm 2024, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD nên việc đầu tư cho các dự án vi mạch đang được quan tâm phát triển. 
Hãng Synopsys ký biên bản ghi nhớ với Khu Công nghệ cao TPHCM để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hãng Synopsys ký biên bản ghi nhớ với Khu Công nghệ cao TPHCM để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Doanh nghiệp nhập cuộc 

Cuối tháng 9-2022, FPT Semiconductor - Công ty Thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software) đã ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc. Khách hàng đầu tiên là đối tác chiến lược của doanh nghiệp cùng phối hợp để phân phối sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở thị trường Australia, Trung Quốc. 

“Trong 2 năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra toàn cầu 25 triệu đơn vị chip. Đồng thời, chúng tôi đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ ô tô, năng lượng, điện tử, điện lạnh”, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc điều hành FPT Semiconductor, cho biết. 

Trước đó, ngày 16-8, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), lãnh đạo tập đoàn Viettel đã đề xuất nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip. Theo Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, Viettel đã trở thành tập đoàn cung cấp các dịch vụ viễn thông, giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số, nghiên cứu sản xuất công nghệ cao, thương mại điện tử và logistics, nên đủ khả năng tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu. 

Những động thái trên đã thắp lại “ngọn lửa” của ngành vi mạch trong nước, nhất là trong bối cảnh nhu cầu ứng dụng các sản phẩm vi mạch điện tử rất lớn trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở hạ tầng cho đô thị thông minh, an ninh quốc phòng và xu hướng IoT… 

Tập trung vào sản phẩm vừa sức

Cuối tháng 8-2022, hãng Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ với Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam và phát triển trung tâm thiết kế chip. Theo đó, Synopsys sẽ hỗ trợ SHTP thành lập Trung tâm thiết kế chip qua chương trình tài trợ phần mềm và cung cấp chương trình giảng dạy, đào tạo giảng viên cho SHTP. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, sự hợp tác này giúp Trung tâm thiết kế chip của SHTP hưởng lợi từ công nghệ của Synopsys, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam. Điều này cũng khẳng định tín hiệu mới nhất cho ngành vi mạch tại TPHCM sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng khi từ năm 2013, TPHCM đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020.

Năm 2017, TPHCM quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với kỳ vọng sẽ phát triển công nghiệp vi mạch điện tử thành phố… Tuy nhiên, từ khi chương trình được phê duyệt, đến nay, việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch vẫn còn khiêm tốn, chưa tạo được động lực để phát triển. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TPHCM (HSIA), ngành sản xuất vi mạch thực sự là bài toán “con gà - quả trứng”. Nếu doanh nghiệp không có thị trường ban đầu thì không có cơ hội để tồn tại, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành vi mạch yêu cầu rất cao về cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động nghiên cứu, thiết kế như các phần mềm lõi IP phục vụ thiết kế, phòng thí nghiệm với các máy móc chuyên dùng… đa phần vượt quá khả năng đầu tư của doanh nghiệp, trường, viện nghiên cứu nên phát triển ngành vi mạch tại TPHCM không phải dễ dàng. 

Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết, dòng chip vi mạch đầu tiên của FPT được thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam, sau đó chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói. Theo ông, đây là bước tiếp nối hoài bão và ước mơ của nhiều thế hệ người Việt với tiêu chí “chip Make in Vietnam, Made by FPT” và FPT Semiconductor đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp chip thương hiệu Việt cho các công ty, tập đoàn trong nước.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một nhà máy sản xuất vi mạch đúng nghĩa. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, ngành vi mạch Việt còn khoảng cách rất xa so với các nước phát triển. Chúng ta khó có thể cạnh tranh với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Intel, Qualcomm, Samsung, Sony, Toshiba, STMicroelectronics, NXP, MediaTek... nên chỉ tập trung vào những sản phẩm vừa sức, có vòng đời sử dụng dài, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội và tính ứng dụng cao.

Tổ chức phi lợi nhuận World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) vừa công bố dự báo mới nhất về nhu cầu linh kiện bán dẫn toàn cầu năm 2022, trong đó, nhu cầu chip điện tử toàn cầu sẽ tăng 8,8% trong năm tới. Cụ thể, WSTS dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 601,49 tỷ USD trong năm 2022, sau khi đạt mức dự báo 552,96 tỷ USD năm 2021.

Tin cùng chuyên mục