Thắp sáng ước mơ nơi biên cương

Tiếp tục chương trình tri ân nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt s, các thành viên của chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo SGGP đã khánh thành điểm trường Bản 2 thuộc Trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị…
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn trao học bổng Báo SGGP tặng học sinh nghèo vượt khó ở Trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Tổng biên tập Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn trao học bổng Báo SGGP tặng học sinh nghèo vượt khó ở Trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Vừa rời biên giới Việt Nam - Lào, tiếp tục tham gia các hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2023) do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các thành viên của chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo SGGP đã hồ hởi nghĩ đến ngày trở lại, khánh thành điểm trường Bản 2 thuộc Trường Tiểu học Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị…

Niềm vui bất ngờ

Thuận là xã vùng cao, nằm cách trung tâm thị trấn Khe Sanh 21km, chung đường biên giới với nước bạn Lào, dọc sông Sê Pôn với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn đầy rẫy hầm hố và bom đạn... Cả xã hiện có tới 38% hộ nghèo trong tổng số 776 hộ dân, đa phần là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô, sinh sống rải rác ở các bản làng sâu tít, đường sá đi lại khó khăn.

Cuộc sống mưu sinh bằng nghề nương rẫy, thiếu thốn đủ bề, nên khi biết chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” do Báo SGGP tổ chức đến trao tặng 500 triệu đồng để xây tặng 1 lớp học mới, trang thiết bị học tập cho điểm trường tiểu học Bản 2 và trao 30 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) dành cho học sinh nghèo vượt khó tại nơi xa xôi, hẻo lánh này, ai nấy đều vui mừng, háo hức. Cô Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận, không giấu được những giọt nước mắt hạnh phúc. Cô mới về đây làm hiệu trưởng được 6 tháng 10 ngày. “Ngày đến nhận trường, mọi người hy vọng cô tên Thuận, làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận, lại ở xã Thuận… nên mọi thứ chắc sẽ thuận lợi”, cô Thuận kể.

Đại diện Báo SGGP và Công ty Lê Bảo Minh trao biểu trưng tài trợ 500 triệu đồng xây dựng phòng học tại Trường Tiểu học Thuận

Đại diện Báo SGGP và Công ty Lê Bảo Minh trao biểu trưng tài trợ 500 triệu đồng xây dựng phòng học tại Trường Tiểu học Thuận

Mọi người trong đoàn thấy sống mũi cay nồng khi nghe cô Nguyễn Thị Thuận tâm sự. Trường Tiểu học Thuận có 23 lớp với 445 học sinh. Ngoài điểm chính nằm ở trung tâm xã, trường còn có 3 điểm trường phụ dành cho học sinh khối 1,2,3 nhà ở xa trung tâm xã từ 4-5km. Cơ sở hạ tầng các điểm trường đều xuống cấp nghiêm trọng, thiếu thốn trang thiết bị dạy và học. Trong đó, ở điểm trường Bản 2, phòng học tạm vách gỗ, mái tôn nên mỗi khi mưa xuống, nước lại tạt vào lớp học, tràn xuống nền, các em học sinh phải ngồi co chân lên bàn, ghế.

Cùng với đó, do không đủ trang thiết bị dạy và học nên các thầy, cô giáo phải lấy chai lọ, hộp giấy, thùng nhựa… làm đồ chơi cho học sinh. “Không chỉ thầy cô và học trò, tất cả phụ huynh trong vùng cũng đều rất vui mừng. Tới đây, nhà trường sẽ có một điểm trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi như ước mong bấy lâu nay… Chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng cao khi thầy cô và học trò không còn lo mùa hè nắng cháy và mùa đông lạnh giá như trước đây nữa”, cô Thuận bày tỏ.

Ngay sau khi Báo SGGP và Công ty Lê Bảo Minh trao biểu trưng tài trợ 500 triệu đồng, công trình điểm trường Bản 2 thuộc Trường Tiểu học Thuận

với đầy đủ trang thiết bị học tập sẽ nhanh chóng khởi công, sớm đưa vào phục vụ việc dạy và học. Mỗi người một ấn tượng, nhưng ai cũng mong chờ ngày trở lại để khánh thành công trình ý nghĩa này. Bé Hồ Văn Hóa, một trong 30 học sinh của Trường Tiểu học Thuận được Báo SGGP trao học bổng vượt khó, khoe với thầy cô: “Con sắp có trường mới để học cùng các bạn. Học bổng Báo SGGP tặng, con sẽ đưa về để ba mẹ mua sắm quần áo mới, sách vở và đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học sắp tới…”.

Thắp sáng ngọn lửa tri ân

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trong 2 ngày 19 và 20-7, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với các cơ quan báo chí và các đơn vị tài trợ tổ chức Chương trình về nguồn “Thắp sáng ngọn lửa tri ân” tại tỉnh Quảng Trị. Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, song song với hoạt động dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị và Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, chương trình còn tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác tại Quảng Trị như: trao tặng các phần quà cho đối tượng chính sách; tặng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho hộ nghèo.

Đồng thời, trao tặng nhiều suất học bổng, phần quà cho học sinh nghèo hiếu học, tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng phòng học cho điểm trường ở xã biên giới; tặng cờ Tổ quốc; chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn với lãi suất 0%... “Tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng chúng tôi mong muốn đóng góp một phần để động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhà báo cựu chiến binh, thân nhân gia đình liệt sĩ nhà báo; học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống”, ông Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.

Thay lời cảm ơn, ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, bày tỏ, chương trình “Thắp sáng ngọn lửa tri ân” đã làm ấm lòng những gia đình người có công bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. “Đây là nguồn động viên cho những thân nhân, người chăm sóc những phần mộ liệt sĩ”, ông Hoàng Nam nói.

Chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” do Báo

SGGP tổ chức nhằm chia sẻ, hỗ trợ các trường học ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới gặp khó khăn về địa điểm, cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu cơ bản của học sinh; với mong muốn khích lệ, động viên, tạo điều kiện để các em học sinh tiếp tục cố gắng, phấn đấu, vượt khó vươn lên trong học tập. Nội dung chính của chương trình bao gồm các hoạt động như: xây dựng các điểm trường; tặng thư viện, công trình nước sạch, điện thắp sáng; tặng học bổng, đồng phục, sách giáo khoa, tập vở, dụng cụ học tập, xe đạp, bảo hiểm y tế, áo ấm, áo phao, sữa, thực phẩm thiết yếu… phù hợp với điều kiện, nhu cầu của từng địa phương.

Tin cùng chuyên mục