Sức mua tại các chợ truyền thống của TPHCM đã và đang giảm mạnh. Trị giá các đơn hàng ở hệ thống siêu thị cũng đang giảm.
Ưu tiên cho thực phẩm
Tại một số siêu thị, người mua tỏ ra kỹ tính hơn trước khi quyết định mua hàng. Chị N.T.Thủy (Nguyễn Kiệm, Q.Phú Nhuận) cầm lên bỏ xuống mấy gói trà thanh nhiệt. Trước đây gia đình chị dùng khoảng 2-3 gói/tuần nhưng nay chị đang cân nhắc xem có tiếp tục dùng hay cắt giảm để bù vào phần tăng giá của các mặt hàng thực phẩm.
Theo chị Thủy, giá thịt heo tăng 40%-50%, các mặt hàng thủy hải sản cũng tăng 20%-30%, rau củ quả, trứng gia cầm, thịt gia cầm… đều đã tăng giá từ sau Tết Tân Mão đến nay. Hiện tiền ăn đã chiếm hơn 70% tổng thu nhập của gia đình chị, nếu không chi tiêu chắt bóp sẽ khó vượt qua thời bão giá!
Anh N.N.Châu, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa và Du lịch TPHCM, cho biết mỗi tối anh thường ghé siêu thị BigC Miền Đông mua thực phẩm giảm giá cuối ngày để dành cho bữa ăn ngày hôm sau. Trên thực tế, tốc độ tăng giá tại các siêu thị luôn chậm hơn so với giá tại các chợ do ràng buộc từ hợp đồng, cộng với khả năng dự trữ hàng. Siêu thị cũng là những địa điểm phân phối khá đầy đủ các nhóm hàng thiết yếu được bình ổn giá, do vậy việc chọn mua hàng giá rẻ tại siêu thị trở thành xu hướng chung của đại đa số người tiêu dùng.
Thống kê tại một hệ thống siêu thị lớn ở TPHCM cho biết, doanh thu cũng như cơ cấu các nhóm hàng tại các siêu thị đã có sự thay đổi lớn, kể từ khi khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đặc biệt, trong 4 tháng đầu năm 2011, doanh thu đối với các nhóm hàng phi thực phẩm và thực phẩm tươi sống ngày càng có sự chênh lệch với tỷ lệ lần lượt là 43% và 57%, trong đó nhóm hàng thực phẩm tươi sống chính là cứu cánh nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu tại các siêu thị.
Sức mua hàng tiêu dùng giảm mạnh
“Chưa bao giờ sức mua tại chợ lại giảm mạnh như thời điểm hiện nay” – bà H., chủ cửa hàng kinh doanh sỉ vải hàng đầu chợ Soái Kình Lâm than. Theo bà H., lượng vải bán ra của cửa hàng hiện chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, chị Vân, tiểu thương ngành vải sợi chợ An Đông, cũng cho rằng, do giá vải tăng khoảng 30% nên sức mua rất ảm đạm. Doanh thu bán hàng có ngày chỉ đủ trang trải cho việc ngồi chợ. Theo ghi nhận của chúng tôi, sức mua tại các chợ giảm đều ở các ngành hàng.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 2, Giám đốc Trung tâm thời trang Sanding, thừa nhận doanh thu trên toàn hệ thống Sanding đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Với những khách hàng trung thành, đơn hàng mua cũng giảm khoảng 30% so với trước đây.
Tại khu vực các trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, giày dép, hóa mỹ phẩm… tăng trưởng doanh thu bán hàng của nhiều nhãn hàng nổi tiếng thế giới cũng không đạt so với kế hoạch. Các cửa hàng nhỏ lẻ cũng đang lâm vào tình trạng ế ẩm nhất kể từ trước tới nay.
Tăng khuyến mãi để kích cầu
Trước tình hình này, nhiều siêu thị đã và đang áp dụng cùng lúc hàng loạt biện pháp bảo vệ sức mua. Song song với việc tổ chức liên tục các chương trình khuyến mãi lớn, bằng cách giảm giá trực tiếp đối với hàng trăm mặt hàng, Ban giám đốc BigC tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp có yêu cầu tăng giá bán. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với nhà cung cấp, BigC sẽ tạm ngưng nhập hàng. Cách làm này đã được BigC thực hiện công khai, đồng thời kêu gọi khách hàng ủng hộ.
Các hệ thống siêu thị Co.opMart, MaxiMark, Lotte Mart… cũng đang mở các chiến dịch khuyến mãi lớn kéo dài đến sau lễ 30-4. Để thực hiện được các chương trình, đối với một vài nhóm hàng, các siêu thị cũng chấp nhận giảm chiết khấu, hòa vốn, thậm chí bị lỗ để kích cầu.
Thúy Hải