Thay đổi quyết liệt để “đổi màu” bức tranh kinh tế

Tháng 7, lần đầu tiên trong năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đã tăng so với cùng kỳ năm trước, kéo kết quả 7 tháng lên gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Thay đổi quyết liệt để “đổi màu” bức tranh kinh tế

Thành quả có được là nhờ dự án tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD của LG Innotek. Bên cạnh đó, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện cũng đang tiếp tục xu hướng tăng, ước đạt 11,58 tỷ USD trong 7 tháng, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Các tín hiệu cho thấy, dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư “ưa thích”, được các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục rót vốn. Mới đây, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung “bật mí” về kế hoạch đầu tư một nhà máy sợi carbon, vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu là 160 triệu USD, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trước đó, tập đoàn này đã khá thành công với các dự án có tổng quy mô khoảng 3,5 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Nam và Bắc Ninh.

Tương tự, có trụ sở chính tại Trung Quốc, Runergy vừa thông qua một công ty con để đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn tại Nghệ An, với tổng vốn đầu tư lên tới 293 triệu USD. Hay như Suntory Pepsico đã được chấp thuận để đầu tư một dự án 185 triệu USD tại Khu công nghiệp Hữu Thạnh (Long An). Tỉnh này cũng chuẩn bị đón nhận dự án 45 triệu USD của AEON Việt Nam và 52 triệu USD từ Công ty TNHH Việt Nam Yokorei…

Dòng vốn nước ngoài có tiếp tục tăng tốc chảy vào Việt Nam hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó các chính sách nội tại đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tập đoàn lớn từ ngày 1-1-2024, nếu không kịp thời ban hành các chính sách để thích ứng, có thể nhiều cơ hội sẽ bị bỏ lỡ. Hoặc không cải thiện mạnh mẽ các thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp trong và ngoài nước kêu ca suốt thời gian qua, cũng sẽ khiến các nhà đầu tư ngần ngại…

Nhìn rõ những vấn đề này, ngày 24-5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, nêu đích danh phần việc của các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, chuẩn bị sẵn các điều kiện về đất đai, hạ tầng… Nếu các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm túc, khẩn trương như chỉ đạo của Thủ tướng, chắc chắn sẽ làm sáng bức tranh kinh tế của năm nay cũng như những năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục