Kết quả cuộc bầu cử sơ bộ Hạ viện Nga năm 2011 vừa được công bố dù không làm thay đổi cục diện chính trường nước này nhưng cho thấy những dấu hiệu về một sự thay đổi.
Trước hết phải kể đến việc mất phiếu ủng hộ của đảng Nước Nga thống nhất. Dù vẫn còn là đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất, nhưng so với tỷ lệ 67% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2007, đảng Nước Nga thống nhất bị mất hơn 17% khi chỉ còn 49,54%. Kết quả này đồng nghĩa với việc dù Nước Nga thống nhất sẽ vẫn là chính đảng cầm quyền tại Nga, song đảng này đã đánh mất đa số lập hiến và không hội đủ 2/3 số ghế theo quy định để thông qua các thay đổi hiến pháp.
Trong khi đó, các chính đảng lớn gồm đảng Cộng sản LB Nga, đảng Nước Nga công bằng và đảng Dân chủ tự do đều giành được nhiều phiếu bầu hơn.
Đích thân Tổng thống Medvedev đã gọi điện đến lãnh đạo các đảng có đại diện trong quốc hội nhiệm kỳ này bày tỏ hy vọng họ sẽ làm việc đầy tinh thần trách nhiệm tại Hạ viện Nga nhằm đưa đất nước phát triển mạnh mẽ.
Bỏ qua những bình luận không khách quan của phương Tây, chính các nhà phân tích chính trị Nga cũng đánh giá việc đảng cầm quyền mất một tỷ lệ ủng hộ đáng kể là do cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa mang lại hiệu quả và tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng ở Nga.
Đáng chú ý là đảng Cộng sản LB Nga (KPRF), đảng đối lập lớn nhất của Nga về nhì với 19,16% phiếu bầu (trong cuộc bầu cử 2007 KPRF đạt 11,6% phiếu bầu), giành 97 ghế. Kể từ cuộc bầu cử Hạ viện đầu tiên năm 1993 đến nay, KPRF cũng trải qua nhiều lúc thăng trầm và có thể thấy kết quả dường như gắn liền với sự nổi lên của ông Putin.
KPRF có sự ủng hộ cơ bản trong dân chúng Nga, chủ yếu là các cựu chiến binh, người về hưu, công nhân và thành viên các tổ chức phi lợi nhuận. Hiện nay thành trì của KPRF vẫn là những thành phố lớn, thành phố công nghiệp và khoa học bởi trong chế độ XHCN, nền công nghiệp và khoa học đã có thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đưa Liên Xô vươn lên vị trí cường quốc khoa học và công nghệ. Đặc biệt, trong những năm gần đây KPRF thu hút nhiều tổ chức thanh niên cánh tả và cả những cử tri thất vọng với các chính sách của chính phủ.
Các chuyên gia phân tích chính trị cũng cho rằng phong trào đấu tranh như “Chiếm lấy phố Wall” của thanh niên Mỹ và châu Âu cũng tác động tới nhận thức của thanh niên Nga trong cuộc bỏ phiếu này. Vấn đề lớn hiện nay của Nga là khoảng cách giàu nghèo ngày càng trầm trọng. Có nhận định cho rằng khoảng cách này nghiêm trọng hơn bao giờ hết kể từ khi Liên Xô tan rã, với một bộ phận không nhỏ người dân không được tiếp cận những thành quả của phát triển kinh tế.
Trong cuộc bầu cử năm nay, KPRF đưa ra chương trình hành động, trong đó vấn đề đầu tiên là quốc hữu hóa các cơ sở nguyên nhiên liệu khoáng sản; gia tăng sự hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp, các tổ hợp công nghiệp-quân sự, quân đội và hải quân. Đặc biệt, KPRF cũng đã soạn thảo một chương trình nghiêm túc nhằm phát triển giáo dục, văn hóa, khoa học và giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước, đánh đúng vào những vấn đề cử tri Nga đang quan tâm trong bối cảnh nước Nga hội nhập và có nguy cơ đánh mất bản sắc.
Dù chưa phải là lúc những người Cộng sản Nga trở lại cầm quyền, nhưng kể từ năm 1991 đến nay, đảng Cộng sản LB Nga vẫn là một chính đảng lớn và có tiếng nói mạnh mẽ trên chính trường nước Nga.
Việt Trung