(SGGP-T7).- Bốn năm, Sài Gòn gieo vào lòng con những chộn rộn, lo toan. Và ba vẫn kiên trì dõi theo từng bước con đi, dẫu rằng con đã lớn. Ba gợi cho con niềm tự hào: mình là cháu nội đích tôn (dù con có phải con trai đâu cơ chứ).
Bước qua thời phổ thông, con vào đại học trong sự lo lắng ít nhiều hiện lên trong ánh mắt ba. Sự định hướng của ba hệt như chiếc bóng bay chầm chậm tuột khỏi bàn tay lơ đễnh của con bé ngông nghênh. Thời gian lần lữa trôi, con hiểu hơn lời ba từng nói. Giọt nước mắt nghẹn ngào giữa buổi đêm con nhận ra ba dạy con nhiều hơn những gì con học được ở trường lớp.
Năm đầu tiên, con nắn nót viết cho ba bức thư của đứa con học xa nhà, rồi tự dưng bật khóc vì thấy thương ba quá đỗi!
Năm thứ hai, vô tình con tìm thấy bức thư nọ - bức thư duy nhất - ba ép cẩn thận vào sổ nhật trình. Nhìn dòng chữ nghiêng nghiêng, con phì cười vì thấy mình còn trẻ con nhiều lắm.
Năm thứ ba, mắt con ngấn lệ khi đầu dây bên kia ba nhẹ nhàng: “Thêm 20 năm nữa vẫn chưa thể tự lập được phải không con?”. Con đã làm ba buồn, nỗi buồn đong đầy trong câu nói “Vì con vẫn ỷ lại, vẫn cao ngạo, vẫn ương bướng đó thôi”.
Nhà của chúng ta là một ngôi trường nhiều cấp lớp và với con, ba là người thầy mẫu mực nhất. Không đứng trên bục giảng, từ thuở con xun xoe chiếc váy áo trước giờ đến nhà trẻ cho đến ngày con sắp hân hoan cầm tấm bằng đại học, trang giáo án của ba vẫn trải dài qua năm tháng.
Rồi thì, bốn năm chóng vánh qua đi, con sẽ lại về ngôi trường cũ của mình, sẽ học tiếp bài giảng còn dang dở từ một người thầy suốt đời cần mẫn và nhiệt thành với đứa học trò khó bảo. Đứa học trò ấy là con, và ba là người thầy nọ với hết thảy những ý nghĩa tuyệt vời.
Cẩm Tú (mk.thuy…@gmail.com)