Thể chế hóa việc tiến hành, xử lý các vấn đề về kỳ họp bất thường

Cần quy định rõ tiêu chí để xác định nội dung của kỳ họp bất thường, tránh việc “cứ những việc không kịp làm trong kỳ họp thường kỳ thì lại chuyển sang kỳ họp bất thường”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nội quy kỳ họp Quốc hội

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành nội quy kỳ họp Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc ban hành Nghị quyết là cấp bách và cần thiết, nhằm kịp thời triển khai thi hành Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn gồm 5 chương với 19 điều và các phụ lục, biểu mẫu ban hành kèm theo.

Trong đó, liên quan đến kỳ họp bất thường, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về cách thức xử lý yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường của các chủ thể có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị quyết cũng đã quy định trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường (như xem xét, thông qua luật, nghị quyết, hoạt động giám sát, chất vấn, quyết định các vấn đề quan trọng…) được thực hiện theo quy định về kỳ họp tại Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, dự thảo Nghị quyết đã được Ban soạn thảo chuẩn bị thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu, nội dung các quy định có liên quan của nội quy kỳ họp Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng lưu ý: “Một số ý kiến đề nghị cần hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí xác định nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường để phù hợp với mục đích, yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường là chỉ xử lý những vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách và thời gian tổ chức kỳ họp bất thường thường rất ngắn”.

Liên quan đến hồ sơ trình Quốc hội quyết định về nhân sự, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu bổ sung hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đối với người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu thêm hoặc tự ứng cử vào các chức danh để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn quy định tại khoản 2, điều 30 của nội quy kỳ họp Quốc hội.

Đề cập về thể lệ bỏ phiếu kín và mẫu phiếu biểu quyết về nhân sự (điều 12), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc chỉ quy định 2 trường hợp biểu quyết “Tán thành” và “Không tán thành” như trong dự thảo Nghị quyết là thống nhất với Quy chế bầu cử trong Đảng và phù hợp với thực tiễn thực hiện biểu quyết về nhân sự tại Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga tán thành quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật về việc quy định rõ tiêu chí để xác định nội dung của kỳ họp bất thường, tránh việc “cứ những việc không kịp làm trong kỳ họp thường kỳ thì lại chuyển sang kỳ họp bất thường”.

Cho ý kiến về việc triệu tập kỳ họp bất thường, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các quy định cần đảm bảo tính khả thi. “Thực tiễn đã có kỳ họp bất thường thì chỉ nói triệu tập kỳ họp để làm công tác nhân sự chứ nội dung cụ thể thì chưa công bố được. Việc gửi hồ sơ, tài liệu cũng không thể đảm bảo gửi trước 7 ngày. Cho nên quy định phải làm sao chặt chẽ để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan thực hiện”, đồng chí Vương Đình Huệ góp ý.

100% thành viên UBTVQH dự họp đã biểu quyết tán thành ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành nội quy kỳ họp Quốc hội sau khi được hoàn thiện.

Tin cùng chuyên mục