
Cuộc đời giản dị và tấm lòng của Bác dành trọn cho dân tộc, cho công cuộc đấu tranh đã khiến quốc tế kính phục. Các cuộc hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thu hút đông người tham dự với tình cảm yêu quý và trân trọng. Từ tình bạn ban đầu chỉ giữa những người cùng chí hướng, không ít người sau này đã trở thành người bạn lớn của dân tộc Việt Nam.
- Nhờ có Bác, tôi gắn trọn đời mình với Việt Nam
Ngày 27-7-1946 là ngày mà suốt đời Raymond Aubrac không thể quên được, bởi vào thời điểm đó cụ có mặt trong buổi Việt kiều ở Pháp tổ chức cuộc chiêu đãi chào mừng Bác tại vườn hồng Bagatelle (Paris). Đây cũng chính là lần đầu tiên cụ nhìn thấy và được tiếp chuyện với Bác Hồ, để rồi sau đó và mãi mãi, như lời cụ: Bác Hồ đã tạo nên bước ngoặt cho tôi và gia đình. Và nhờ có Bác, tôi đã gắn trọn đời mình với Việt Nam.

Bác Hồ bế Elisabeth, ngồi cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu chụp năm 1946.
Cụ kể: “Tôi có cơ may được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhờ vào cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa phát xít của nhân dân Pháp”. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp với danh nghĩa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9. Sau buổi chiêu đãi ngày 27-7-1946, cụ mời Bác về ở nhà mình ở ngoại ô Paris. Việc Bác không muốn ở những nơi xa hoa lộng lẫy, vinh hoa mà muốn ở những nơi dân dã, tìm hiểu cuộc sống của người dân Pháp khiến cụ Aubrac xúc động. “Kể từ giờ phút đó trở đi, tôi đã tự nguyện tham gia vào cuộc đấu tranh chống ách thực dân trên thế giới, đứng về phía nhân dân Việt Nam”.
Sáu tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà cụ là khoảng thời gian không thể quên với gia đình Aubrac. Mỗi buổi sáng, người nhà cụ Aubrac mang đến cho Bác sách báo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga… Bác thường đọc báo ngay trên thảm cỏ hàng giờ liền.
Chính phủ Pháp dành cho Bác một tầng trong một ngôi nhà lớn ở gần Khải Hoàn Môn, nhưng Bác thường không vào Paris tiếp khách, mà mời về nhà cụ Aubrac. Ở đây Bác tiếp và chiêu đãi nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo… Ngày 15-8-1946, bà Lucie Aubrac sinh con gái là Elisabeth, Bác đã đến nhà hộ sinh Port - Royal ở Paris thăm, tặng hoa và nhận là cha đỡ đầu và từ đó trở đi, năm nào đến ngày sinh của Elisabeth, Bác cũng có quà mừng.
Năm nay 97 tuổi, cụ đã 3 lần gặp Bác Hồ và là người bạn lớn của Việt Nam bởi những đóng góp của cụ trong sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam cũng như thúc đẩy quan hệ Pháp - Việt sau này. Cụ đã sang Việt Nam 16 lần và mỗi lần sang lại nhận thấy một đất nước Việt Nam thay đổi.
- Người kiến tạo nước Việt Nam hiện đại
Đó là dòng chữ ghi trên tấm bảng hình tròn màu xanh gắn trên bức tường tòa nhà New Zealand ở London, Anh, để lưu niệm nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống trong thời gian Thế chiến lần thứ nhất. Thật ra tòa nhà này mới được xây lại trên nền của khách sạn Carlton, nơi nhà cách mạng đã từng làm phụ bếp, chặng dừng trên hành trình đi tìm đường cứu nước cách đây một thế kỷ.
Còn tại đất nước Cuba xa xôi cách nửa vòng trái đất, cuốn sách “Hồ Chí Minh nhà yêu nước, 60 năm đấu tranh cách mạng” ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác và cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm đã được phát hành trong sự trông đợi của nhiều người.
Tác giả, ông Julio Garcia Oliveras, Đại sứ Cuba tại Việt Nam giai đoạn 1966 - 1969, khẳng định cuốn sách thể hiện tấm lòng yêu mến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng giàu lòng yêu nước, một vị lãnh tụ sẽ mãi được các thế hệ mai sau nhớ tới. Cuốn sách dày 250 trang, với nhiều bức ảnh đen trắng chụp hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những thời khắc quan trọng. Tác giả đặc biệt ca ngợi ý chí cách mạng, phẩm chất đạo đức và lòng yêu nước thương dân vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 30 năm bôn ba ở nước ngoài để tìm con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông nói: “Hồ Chí Minh không bao giờ mơ tưởng, không bao giờ tranh đấu vì mục đích để trở thành một vĩ nhân của nhân loại. Sự nghiệp đấu tranh của Người là một đóng góp lớn lao cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc được đóng góp phần rất nhỏ trong việc giới thiệu về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Người”.
- Một lãnh tụ thanh bạch và giản dị
Trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, Tạp chí Time đã chọn Hồ Chí Minh là một trong số những gương mặt đã làm thay đổi diện mạo hành tinh của chúng ta trong thế kỷ 20. Theo thông tin từ http://www.bqllang.gov.vn, tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, đã có rất nhiều bạn bè quốc tế đến tham dự với tình cảm yêu quý và tấm lòng trân trọng, kính phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới.
GS-TS Raul Valdes Vivo, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, nguyên Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nico Lopez, đã khẳng định: Cuba đã nhìn nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh như là người dẫn đường, là biểu tượng và ngọn cờ của Việt Nam anh hùng. Nhớ lại những lần được gặp Bác Hồ, GS-TS Raul Valdes Vivo viết: “Trong một số dịp, tôi đã được gặp Bác Hồ và lần xúc động nhất là khi tôi đến thăm Người cùng với nhà thơ lớn của Cuba là F.Pita Rodrigez.
Lần ấy, tôi có kể với Bác câu chuyện về các nữ thanh niên xung phong dũng cảm hy sinh mà tôi gặp vào năm 1967, lúc tôi từ Hà Nội đi dọc bờ biển miền Trung vào sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17. Tôi thấy đôi mắt Người đẫm lệ. Nén cơn xúc động, Bác Hồ nói rằng nhân dân là cội nguồn của mọi chiến thắng, rằng người Việt Nam là vô địch, như là một Cuba ở Đông Dương! Thật vậy, Cuba muốn là một Việt Nam ở biển Caribe!”.
Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Greetesh Sharma đã bày tỏ: “Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ”. Ông khẳng định: Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, Người đã từng gặp và bắt tay thân mật với người lái ô tô của mình và các nhân viên phục vụ trước sự bối rối của các quan chức lễ tân ngoại giao, cứ như là hành động đó của một quan chức cao cấp ngoại quốc là có trong các hướng dẫn về lễ tân ngoại giao. Đặc biệt, các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép làm từ lốp cũ, biểu tượng của sự thanh bạch.
Khi thực hiện các nghi thức trồng cây ở Delhi, Người đã tự tay làm tất cả trước sự ngạc nhiên tột bậc của dân chúng có mặt hôm đó. Đối với họ, không thể có một vị chủ tịch nước nào mà lại tự mình làm hết các công việc trồng cây. Những lần ghé thăm Ấn Độ, Người đã chinh phục được hoàn toàn trái tim của mọi người bằng phong cách nói chuyện, sự thân mật, tính khiêm nhường và giản dị của mình. Thế hệ đã được nhìn thấy Người trong những ngày đó vẫn còn nhớ đến Người với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc.
- Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi
Xúc động nhớ lại những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ ngoại giao tại Việt Nam, nguyên Đại sứ Hungary tại Việt Nam Alfred Almasi đã viết: “Tinh thần của Hồ Chí Minh đã theo suốt sự nghiệp của tôi, trong nhiệm kỳ ngoại giao của tôi tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi”. Ông tự nhận là một trong số những người có vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần trong nhiệm kỳ ngoại giao của ông tại Hà Nội. Ông và đồng nghiệp sẽ không bao giờ quên hình ảnh giản dị, gần gũi của Người.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy của sự nghiệp độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” - nhà báo, nhà hoạt động chính trị Mexico, nguyên Chủ tịch Hội Những người bạn của Việt Nam Ignacio Gonzalez Janzen khẳng định. Ông đánh giá: “Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ xuất chúng của dân tộc Việt Nam, một yếu nhân của quá trình phi thực dân hóa trong thế kỷ 20. Đặc biệt, Người còn là một bậc thầy vĩ đại trong khoa học và nghệ thuật giành tự do cho các dân tộc - chủ đề chính của tất cả các nền văn hóa và là mục tiêu đầu tiên của nhân loại. Hồ Chí Minh là người thầy, cũng như Simón Bolívar và José Martí từng là những người thầy ở châu Mỹ của chúng tôi”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến niềm tin của mình thành một nguyên tắc, một chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và Người đã kiên trì biết bao khi nhất quán với nguyên tắc đó để đặt nền móng cho một cương lĩnh dân tộc, phù hợp với thực tiễn phức tạp và bản sắc của Việt Nam, xây đắp khối đại đoàn kết toàn dân, tôi luyện sự chỉ đạo chiến lược của mình, tổ chức quần chúng, xây dựng quân đội nhân dân, tiến hành kháng chiến, điều chỉnh kinh tế và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
HÀ TRANG (tổng hợp)