Thế giới tiếp tục giải quyết hậu quả đại dịch Covid-19

Tính đến trưa 9-10 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 36,75 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 1.066.860 ca tử vong. Ở thời điểm này, việc tìm ra những loại vaccine phòng bệnh và làm sao để phân phối công bằng loại “vũ khí” phòng chống dịch này chính là tâm điểm chú ý của cộng đồng.
Thủ đô Berlin (Đức) vắng vẻ vì dịch bệnh bùng phát
Thủ đô Berlin (Đức) vắng vẻ vì dịch bệnh bùng phát

Tìm kiếm vaccine

Đại diện các nước và các nhóm nước tham gia cuộc thảo luận thường niên của Ủy ban thứ 3 (còn được biết đến là Ủy ban Xã hội, Nhân đạo và Văn hóa) của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã kêu gọi “sự đoàn kết mới” trong giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19, vốn đã phơi bày và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng khó có thể thay đổi hiện nay. Một trong những nỗi lo lớn nhất là vấn đề vaccine. Trước đó, ngày 8-10, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu chi tiết số tiền Trung Quốc sẽ đóng góp theo thỏa thuận.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ đóng góp hơn 130 triệu USD để hỗ trợ cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước đang phát triển. Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, số tiền đóng góp trên là một phần trong số tiền hỗ trợ 300 triệu USD mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng cam kết đóng góp cho Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) trước đây.

Mỹ không tham gia cơ chế này vì cho rằng cách WHO dẫn dắt cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa hợp lý. Nền kinh tế số 1 thế giới  cho biết, sớm nhất là tháng 3-2021, nước này có thể sẽ đủ vaccine cho mỗi người dân. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar, ngày 8-10, cho biết, chương trình phát triển vaccine Covid-19 của Chính phủ Mỹ Operation Warp Speed hy vọng có tối đa 100 triệu liều vaccine vào cuối năm nay. Theo quan chức này, Mỹ hiện đang sản xuất 6 loại vaccine tiềm năng được Chính phủ Mỹ tài trợ tại hơn 23 cơ sở sản xuất. Một số loại vaccine của Mỹ đang trong các thử nghiệm giai đoạn cuối, trong đó có các sản phẩm của Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Châu Âu kêu gọi người dân hợp tác

Với 11.493 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, gần bằng thời điểm đỉnh dịch được ghi nhận vào ngày 11-5, Nga - quốc gia có số ca mắc cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ và đứng đầu châu Âu - đã đề nghị người dân ở nhà trong tuần này, đồng thời kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại thủ đô Moscow, chính quyền thành phố đề nghị những người già trên 65 tuổi tự cách ly và ít nhất 1/3 nhân viên của các doanh nghiệp trên địa bàn phải làm việc từ xa.

Tình hình dịch bệnh tại các nước châu Âu tiếp tục phức tạp, buộc nhiều nước tái áp đặt các biện pháp chống dịch hoặc đóng cửa biên giới. Bất chấp sự phản đối của chính quyền địa phương, ngày 9-10, Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Madrid và vùng phụ cận, thực hiện lệnh phong tỏa từng phần để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Bộ trưởng Y tế Pháp kêu gọi người dân góp phần vào nỗ lực chung của chính phủ bằng cách đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập nơi công cộng.

Trong báo cáo được công bố ngày 9-10, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hiệp quốc cảnh báo việc các nước đóng cửa biên giới và cấm đi lại đã khiến 2,75 triệu người di cư bị mắc kẹt tại nước ngoài cần được hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nơi ở và hồi hương. Những người này gồm người lao động thời vụ, người tạm trú, du học sinh, người ra nước ngoài để chữa bệnh và các thuyền viên.

IOM cảnh báo, khi bị mắc kẹt, một số người di cư phải đối mặt nguy cơ cao bị lạm dụng, bóc lột và bị bỏ rơi, dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị các tổ chức tội phạm, những kẻ buôn người và những kẻ xấu khác lợi dụng.

Tin cùng chuyên mục